Tham gia Hội thảo tập huấn có đại diện lãnh đạo, chuyên viên Vụ Giáo dục Tiểu học, Lãnh đạo Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cán bộ phụ trách công tác giáo dục khuyết tật các Sở và đại diện giáo viên giảng dạy học sinh khuyết tật tại các trung tâm và trường chuyên biệt trên toàn quốc.
Phát biểu tại Hội nghị, Ông Tạ Ngọc Trí - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhấn mạnh: Hệ thống các cơ sở giáo dục chuyên biệt trên toàn quốc gồm 51 cơ sở giáo dục chuyên biệt và 16 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập công lập. Việc thực hiện quy chế tổ chức và hoạt động của trường, lớp dành cho người khuyết tật nhằm hướng tới việc giáo dục được nhiều nội dung, nhiều kỹ năng hữu ích, cần thiết và phù hợp với thực tiễn theo nhu cầu của xã hội đối với học sinh khuyết tật. Về kiến thức văn hóa, các thầy cô cần căn cứ vào từng đối tượng người học cụ thể để xây dựng nội dung học tập cho học sinh một cách linh hoạt, trong mỗi lớp học không nhất thiết một trình độ mà mỗi học sinh sẽ được giáo viên xây dựng một kế hoạch cá nhân cụ thể áp dụng riêng hay nói một cách cụ thể hơn chính là giáo dục, giảng dạy theo sự phân hóa kiến thức cho học sinh ở các trình độ khác nhau. Việc thực hiện chương trình phải dựa theo khả năng nhu cầu của người học và thực tiễn đặt ra phải phù hợp, thiết thực.
Chia sẻ, hướng dẫn các đơn vị thực hiện quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm hỗ trợ phát triển hòa nhập, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hưng – Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã bám sát các văn bản quy phạm hiện nay và Thông tư số 20/2022/TT-BGDĐT, ngày 28/12/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm hỗ trợ phát triển hòa nhập để hướng dẫn cụ thể các nôi dung, các bước thực hiện trong tổ chức và thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tại các địa phương. Bên cạnh đó, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hưng đã cởi mở cùng cán bộ quản lý, giáo viên trao đổi, giải đáp những khó khăn khi áp dụng triển khai Thông tư số 20/2022/TT-BGDĐT trong thực tiễn. Tiến sĩ cũng mong muốn sự hợp tác, tạo điều kiện từ các cơ sở giáo dục với các trung tâm giáo dục hòa nhập trong việc giáo dục học sinh khuyết tật theo phương thức bán hòa nhập để nâng cao hiệu quả giáo dục cho người khuyết tật.