Tham gia Hội nghị có các đồng chí lãnh đạo, chuyên viên các phòng cơ quan chuyên môn nghiệp vụ Sở GDĐT, các đồng chí lãnh đạo, chuyên viên Phòng GDĐT các quận, huyện và đại diện Hiệu trưởng các trường tiểu học, trường PTNC có lớp tiểu học trên toàn thành phố.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bà Đỗ Thị Hòa - Phó Giám đốc Sở GDĐT đã khẳng định năm học 2024-2025 là một năm học hết sức quan trọng trong lộ trình thực hiện Chương trình GDPT 2018, bởi lẽ đây là năm học đánh dấu mốc hoàn thành lộ trình thực hiện thay sách giáo khoa thực hiện theo Chương trình GDPT 2018, một năm học với nhiều thách thức và cơ hội mới. Để đạt được kết quả tốt trong việc thực hiện nhiệm vụ năm học, ngày từ đầu năm học, Sở GDĐT đã, ban hành nhiều văn bản, sát sao chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện ở mọi mặt công tác như, công tác xã hội hóa giáo dục, công tác tuyển sinh, chuyển đổi số, dạy học.... Qua thực tế kết quả đã đạt được, các đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường một cách linh hoạt chủ động và sáng tạo, nhiều đơn vị đã xây dựng được phương án, kế hoạch trong việc đảm bảo về cơ sở vật chất, nhân sự giáo viên để thực hiện đúng đủ và hiệu quả chương trình mới. Đồng thời, thực hiện công tác chuyển đổi số trong giáo dục tiểu học, chữ kí số, quản lý hồ sơ số sách của CBQL, GV trên môi trường số nhằm giảm áp lực về hồ sơ sổ sách cho giáo viên. Để đạt được hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ năm học mới, Phó Giám đốc đề nghị trong học kỳ 2 cần có sự quan tâm phối hợp của lãnh đạo các cấp, sự đồng lòng và quyết tâm của các thầy cô toàn cấp học.

Bà Trần Thu Hằng – Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học báo cáo sơ kết học kỳ 1 và triển khai phương hướng nhiệm vụ học kỳ 2, năm học 2024-2025. Trong học kỳ 1, toàn ngành giáo dục cũng bị ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề do cơn bão Yagi gây ra. Tính đến tháng 12/2024, một số cơ sở giáo dục vẫn đang trong quá trình sắp xếp, xử lí hậu quả còn lại do bão gây ra như: ngấm mái, sập mái, bung mái phòng học, … Các trường đã chủ động phương án bảo đảm sức khỏe cho học sinh, nhân viên, giáo viên, cán bộ quản lý; chủ động các phương án tổ chức dạy học theo các hình thức linh hoạt. Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục đã nhanh chóng ổn định và khắc phục sau cơn bão để học sinh nhanh trong đến trường, đảm bảo tiến độ chương trình theo kế hoạch.
Quy mô trường lớp dần được mở rộng. Năm học 2024-2025, tăng 02 trường phổ thông nhiều cấp (trong đó có cấp tiểu học) có xu hướng hội nhập quốc tế (Trường TH-THCS-THPT Alpha và trường TH-THCS-THPT Quốc tế Singapore). Toàn thành phố giảm 54 lớp và giảm 4624 học sinh so với năm học trước, tương ứng giảm 85 học sinh/lớp. Điều đó cho thấy, tỉ lệ học sinh/lớp tại một số địa bàn quận nội thành đã giảm dần sự quá tải so với trước đây.
Các cơ sở giáo dục đã tích cực, chủ động trong việc triển khai các hoạt động giáo dục, có đầy đủ hồ sơ quản lí theo quy định, đã nghiêm túc trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường và kế hoạch dạy học các môn học, đảm bảo tính hợp lí, phù hợp thực tế. Số lượng giáo viên các môn Tiếng Anh, Tin học đã tăng dần theo từng năm. Năm học 2024-2025, số giáo viên Tiếng Anh đã tăng 67 giáo viên, số giáo viên Tin học tăng 19 giáo viên. Hiện tại đã không còn số lượng giáo viên tin học, tiếng Anh chưa hợp đồng tại các đơn vị. Chất lượng đội ngũ đồng đều. Trình độ đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên tiến tới tỉ lệ cao đạt chất lượng theo Luật giáo dục 2019.
Các cơ sở giáo dục đã nỗ lực tổ chức cho học sinh học 2 buổi/ngày theo yêu cầu của chương trình GDPT 2018, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học, mỗi tiết 35 phút; thực hiện kế hoạch dạy học tối thiểu 9 buổi/tuần với 32 tiết/tuần. Để giúp giáo viên có cơ hội và học tập, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác giảng dạy thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, Sở GDĐT đã hoàn thành việc xây dựng kế hoạch tổ chức chuyên đề chuyên môn cấp thành phố đối với giáo dục tiểu học năm học 2024-2025; Tổ chức thành công 5 chuyên đề cấp thành phố:
- Chuyên đề Sử dụng hiệu quả thiết bị dạy học số và thư viện số trong dạy và học năm học 2024-2025 do quận Hồng Bàng thực hiện;
- Chuyên đề về môn Tiếng Việt lớp 5 do quận Lê Chân và quận Kiến An phối hợp thực hiện;
- Chuyên đề Tích hợp Giáo dục kỹ năng công dân số trong môn Tin học đáp ứng chương trình Giáo dục phổ thông 2018 do Thành phố Thuỷ Nguyên thực hiện;
- Chuyên đề Sử dụng nguồn học liệu số và ứng dụng AI vào Dạy học môn Tiếng Anh lớp 5 đáp ứng Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 do quận Dương Kinh và huyện An Dương phối hợp thực hiện;
- Chuyên đề Dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với học sinh khuyết tật năm học 2024-2025 do trường Nuôi dạy trẻ khiếm thị và trường Khiếm thính phối hợp thực hiện.
Các chuyên đề đã thể hiện sự công phu, bài bản và có chất lượng, đồng thời đây cũng là dịp để cán bộ quản lý, giáo viên trao đổi tháo gỡ những khó khăn trong công tác dạy và học.
Triển khai dạy học ngoại ngữ 1 là tiếng Anh là môn học tự chọn đối với lớp 1, 2, là môn học bắt buộc đối với lớp 3, lớp 4, lớp 5 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Một số đơn vị đã thí điểm triển khai dạy Ngoại ngữ 1 là tiếng Hàn đối với lớp 3, lớp 4 như: Lê Chân, An Dương.
Sở GDĐT cũng đã chỉ đạo tổ chức dạy học môn Tin học bắt buộc cho 100% học sinh lớp 3, lớp 4, lớp 5 theo yêu cầu được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với thời lượng tối thiểu 1 tiết/tuần; triển khai thực hiện các giải pháp để tổ chức dạy học môn Tin học theo hướng dẫn của Bộ GDĐT; khắc phục điều kiện khó khăn do cơ chế chính sách và những yếu tố tác động ngoài ngành như thiếu cơ sở vật chất, thiếu phòng chức năng môn Tin học, thiếu giáo viên, … để dạy môn tin học là môn học bắt buộc đối với lớp 3, lớp 4, lớp 5.
Sở GDĐT đã xây dựng kế hoạch tập huấn cho cán bộ quản lý và giáo viên các cơ sở giáo dục cấp Tiểu học thực hiện giáo dục kỹ năng công dân số ở cấp Tiểu học; chỉ đạo các đơn vị tổ chức thực hiện các hoạt động giáo dục tin học, giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh theo hướng dẫn của Bộ GDĐT; đồng thời tổ chức thành công Hội nghị tập huấn hướng dẫn thực hiện giáo dục kỹ năng công dân số cấp Tiểu học cho hơn 500 cán bộ quản lý và giáo viên tiểu học thành phố Hải Phòng.
Việc triển khai chương trình giáo dục địa phương đã được tích hợp vào kế hoạch dạy học các môn học như: Hoạt động trải nghiệm, Toán, Tiếng Việt, ...
Về công tác bán trú, giáo dục ngoài giờ lên lớp, Sở GDĐT đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch tổ chức bán trú với nội dung, hình thức phù hợp điều kiện thực tế, trên cơ sở thống nhất, tự nguyện của học sinh, cha mẹ học sinh và theo các quy định, hướng dẫn của cơ quan quản lý; các hoạt động bán trú được tổ chức trong khoảng thời gian từ sau giờ học buổi sáng đến trước khi bắt đầu giờ học buổi chiều, thông qua hoạt động bán trú góp phần rèn luyện học sinh về kỹ năng sống, đạo đức, tính kỷ luật, tự phục vụ, trách nhiệm, chia sẻ, yêu thương.
Sở GDĐT đã tổ chức tập huấn công tác tổ chức bữa ăn bán trú và giới thiệu phần mềm “Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng” cho các trường tiểu học. Tổng số có 07 đại diện Phòng GDĐT, 75 trường tiểu học với hơn 250 đại biểu là đại diện ban giám hiệu, nhân viên y tế trường học, tổ trưởng tổ bếp ăn tham dự. Các nhà trường thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm, bảo đảm dinh dưỡng, sức khỏe cho học sinh, đảm bảo công tác phòng chống rét cho học sinh.
Thực hiện tốt phổ cập giáo dục tiểu học năm học 2024-2025, đảm bảo huy động 100% trẻ 6 tuổi ra lớp từ đầu năm học. Tiếp tục quan tâm đến công tác kiểm định chất lượng và xây dựng trường chuẩn quốc gia. Tính đến tháng 01/2025, có 160 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó 132 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, 28 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.
Các đại biểu tham dự Hội nghị cũng nhất trí cao với báo cáo sơ kết học kỳ 1 và triển khai phương hướng nhiệm vụ học kỳ 2, năm học 2024-2025. Đồng thời, các đồng chí đại biểu cũng mạnh dạn đưa ra ý kiến tham góp và trao đổi, thảo luận nhằm đưa ra những giải pháp hiệu quả, sáng tạo thể hiện sự quyết tâm cao trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học.