Cô và trò chuẩn bị bắt đầu cho tiết dạy minh họa
Căn cứ nhiệm vụ năm học 2023-2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo, ngày 18/8/2023 Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành Kế hoạch số 97/KH-SGDĐT về việc tổ chức Chuyên đề chuyên môn cấp thành phố đối với Giáo dục tiểu học; đặc biệt từ lớp 4 học sinh tiểu học được học môn Lịch sử và Địa lí theo quy định của Chương trình GDPT 2018 và cũng là môn học, và cách tiếp cận kiến thức của môn học hoàn toàn mới đối với cả giáo viên và học sinh. Bởi lẽ, theo chương trình GDPT trước đó, môn Lịch sử và Địa lí 4 vẫn được tách thành 2 phần cụ thể (phần lịch sử và phần địa lí) nhưng theo chương trình mới thì đó là sự tích hợp logic và phù hợp trong xây dựng kiến thức môn học. Mới với học sinh lớp 4 bởi đây là năm đầu tiên các em được tiếp cận sách mới, môn học mới và theo một chương trình mới. Xác định được vai trò, cũng như sự cần thiết, Sở Giáo dục và Đào tạo đã kịp thời chỉ đạo thực hiện chuyên đề chuyên môn cấp thành phố đối với nội dung này với mục đích tạo ra đợt chuyên môn sâu rộng trong toàn ngành với nội dung thực hiện tổ chức dạy học môn Lịch sử và Địa lí lớp 4 theo Chương trình GDPT 2018. Đối với chuyên đề này, Sở Giáo dục và Đào tạo đã giao Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cát Hải xây dựng kế hoạch và lựa chọn giáo viên, lựa chọn bài học cụ thể để lên lớp tiết dạy minh họa vào sáng ngày ngày 17/10/2023.
Đại biểu tham dự Hội thảo chuyên đề chuyên môn
Tham dự và chỉ đạo chuyên đề có Tiến sĩ Bùi Việt Hùng – Chuyên viên cao cấp Vụ GD Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Ông Phạm Quốc Hiệu – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Lãnh đạo chuyên viên Phòng GD Tiểu học; Ông Nguyễn Quang Vinh - Phó chủ tịch UBND huyện Cát Hải; Lãnh đạo, chuyên viên phụ trách tiểu học của 14 Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận huyện; các đại biểu là đại diện cán bộ quản lý, giáo viên các trường tiểu học tham dự trực tiếp tại điểm cầu trường Nhà khách huyện ủy huyện Cát Hải. Toàn bộ nội dung của chuyên đề được đưa lên mạng trực tuyến để các thầy cô giáo viên trên toàn thành phố có thể theo dõi trực tiếp và trao đổi nội dung, phương pháp đối với việc dạy học môn Lịch sử và Địa lí trong chương trình.
Lãnh đạo tặng hoa chúc mừng cô giáo lên lớp tiết dạy minh họa
Trong phần dự giờ tiết dạy minh họa của Hội thảo chuyên đề, đại biểu và các thầy cô giáo được dự giờ 01 tiết do cô giáo Vũ Thị Thu Thảo, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, huyện Cát Hải lên lớp dạy bài Địa phương em (thuộc bộ sách Cánh Diều) với học sinh lớp 4 của nhà trường. Thông qua bài học này, giáo viên đã thể hiện việc lồng ghép giáo dục địa phương một cách nhuần nhuyễn, hiệu quả; việc ứng dụng công nghệ thông tin và các đồ dùng dạy học cũng được giáo viên khai thác và sử dụng linh hoạt và triệt để. Học sinh đã vận dụng tốt kiến thức thực tế và nghiên cứu tài liệu sách giáo khoa để chiếm lĩnh kiến thức của bài học; kết quả cuối tiết học là chính các em đã đảm bảo được yêu cầu cần đạt của bài học, điều này được thể hiện ở chỗ chính mỗi em là công tác viên du lịch vận dụng kiến thức của mình vừa học để tuyên truyền, quảng bá về vùng đất du lịch, cũng như con người, sản phẩm của địa phương,...
Bà Tô Thị Khâm - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cát Hải báo cáo đề dẫn
Để rõ hơn việc tổ chức dạy học môn Lịch sử và Địa lí tại huyện đảo Cát Hải, bà Tô Thị Khâm – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã báo cáo trước Hội thảo, Lãnh đạo phòng cán bộ quản lý các nhà trường tổ chức nghiên cứu chương trình, tài liệu sách giáo khoa lớp 4, đối với môn Lịch sử và Địa lí lớp 4, kiến thức Lịch sử và Địa lí không tách riêng thành 02 phân môn như cũ mà được tích hợp theo 06 chủ đề. Trong đó chủ đề Địa phương em là hoàn toàn mới và chỉ có ở lớp 4, không được kế thừa ở chương trình lớp 5. Trên cơ sở nghiên cứu, các nhà trường đã chỉ đạo tổ chuyên môn các nhà trường đã nghiên cứu chương trình, sách giáo khoa, rà soát nội dung để xây dựng kế hoạch giáo dục, kế hoạch dạy học môn học trong đó có môn Lịch sử và Địa lí lớp 4, kịp thời phát hiện những vướng mắc, khó khăn để tổ chức sinh hoạt chuyên môn, thảo luận, bàn bạc, tìm hiểu để thống nhất phương án triển khai. 100% các trường đã lựa chọn và sử dụng bộ sách Cánh Diều đối với môn Lịch sử và Địa lí lớp 4
Đối với bài học thuộc chủ điểm của chuyên đề chuyên môn này, Tổ chuyên môn nhà trường đã nghiên cứu, rà soát các nội dung, tìm hiểu các nguồn tài liệu và chia nội dung bài Địa phương em thành 04 tiết học, bao gồm:
Tiết 1: Xác định được vị trí địa lí của địa phương trên bản đồ Việt Nam. Mô tả được một số nét chính về tự nhiên (ví dụ: địa hình, khí hậu,...) của địa phương có sử dụng lược đồ hoặc bản đồ.
Tiết 2: Trình bày được một số hoạt động kinh tế ở địa phương.
Tiết 3: Mô tả được một số nét về văn hoá (ví dụ: nhà ở, phong tục, tập quán, lễ hội, trang phục, ẩm thực,...) của địa phương. Lựa chọn và giới thiệu được ở mức độ đơn giản một món ăn, một loại trang phục hoặc một lễ hội tiêu biểu,... ở địa phương.
Tiết 4: Kể lại được câu chuyện về một trong số các danh nhân ở địa phương. Thể hiện được tình cảm với địa phương và sẵn sàng hành động bảo vệ môi trường xung quanh.
Như vậy với thời lượng 01 tiết cụ thể, giáo viên vận dụng phương pháp dạy học theo hướng trải nghiệm và sử dụng tốt các kĩ thuật dạy học kết hợp với ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả, học sinh đã đạt được các yêu cầu mục tiêu về năng lực, phẩm chất của bài học.
Tiến sĩ Bùi Việt Hùng - Vụ GD Tiểu học, Bộ GDĐT trao đổi với giáo viên của TP. Hải Phòng
Hội thảo chuyên đề chuyên môn đã dành thời gian hợp lý để các đồng chí cán bộ quản lý, giáo viên các nhà trường trao đổi, chia sẻ nhưng kinh nghiệm tổ chức dạy học Lịch sử Địa lí tại đơn vị mình và nêu các ý kiến băn khoăn, chưa rõ trong công tác chỉ đạo thực hiện dạy học tại nhà trường. Các ý kiến đã được ông Bùi Việt Hùng - Chuyên viên cao cấp Vụ GD Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo ghi nhận và đánh giá cao chất lượng các buổi sinh hoạt chuyên môn lớn trong toàn bậc học cấp thành phố là việc làm cần thiết và rất hiểu quả. Đồng thời, thông qua phần trao đổi này, ông Bùi Việt Hùng cũng đã hướng dẫn lại một số nội dung thực hiện trong tổ chức dạy học môn Lịch sử và Địa lí, cách thức đánh giá cũng như khai thác các tư liệu dạy học làm sao cho phù hợp với từng địa phương và đối tượng học sinh của nhà trường.
Một số hình ảnh trong Hội thảo chuyên đề