Sáng 2/10, cùng với các nội dung liên quan đến giảng dạy, học tập, trong chương trình chào cờ thứ Hai tháng 10, trường THPT Trần Nguyên Hãn (quận Lê Chân) còn phổ biến tới 1.867 học sinh về Luật an ninh mạng và tác hại của thuốc lá điện tử trong học đường.
Buổi tuyên truyền nhằm nâng cao hiệu quả khai thác quản lý, sử dụng thông tin trên không gian mạng và phòng chống tệ nạn học đường.
Tại đây, với vai trò là “diễn giả”, khách mời Thiếu tá Nguyễn Văn Giang, Đội phó Đội 3 phòng PA03, công an TP Hải Phòng đã mang đến cho các em học sinh trường THPT Trần Nguyên Hãn nhiều thông tin thú vị và bổ ích xoay quanh những vấn đề nêu trên.
Thiếu tá Nguyễn Văn Giang cho hay, thuốc lá điện tử chưa cho phép lưu hành ở Việt Nam nhưng vẫn tồn tại trên thị trường do các nguồn hàng nhập lậu về. Hiện cũng chưa có 1 chế tài rõ ràng, cụ thể nào mà mới chỉ xử phạt hành chính về hành vi này.
Trong khi, thuốc lá điện tử thiết kế sản phẩm bắt mắt, hương vị phong phú (hơn 15.000 hương vị pha trộn), nhà sản xuất lại có chiến lược quảng cáo, đa dạng về kênh bán hàng… Từ đó, các em học sinh rất dễ bị thu hút và tò mò muốn dùng thử.
Tại buổi nói chuyện, Thiếu tá Nguyễn Văn Giang cũng chỉ ra cho các em học sinh cách nhận diện thuốc lá điện tử, lý giải nguyên nhân gây nghiện và tác hại của nó. “Nhiều học sinh vẫn nhầm tưởng hút thuốc lá điện tử sẽ bỏ được thuốc lá thông thường nhưng trên thực tế, sẽ thành nghiện cả 2 loại thuốc lá. Người hút thuốc lá thụ động cũng chịu tác hại tương tự và việc cháy nổ pin thuốc lá điện tử có thể gây chấn thương cho người sử dụng”, Thiếu tá nhấn mạnh.
Chia sẻ thông tin liên quan đến Luật an ninh mạng, Thiếu tá Nguyễn Văn Giang cho biết, Luật An ninh mạng có 7 chương, 43 Điều. Mục đích, ý nghĩa của việc ban hành Luật an ninh mạng là để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia trên không gian mạng, các dữ liệu về Văn hóa, dân tộc, chữ viết; bảo vệ cho quốc gia, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân…
Theo Thiếu tá, với điều kiện hiện nay, hầu hết các em học sinh THPT đều được trang bị một chiếc điện thoại thông minh để phục vụ nhu cầu học tập, sinh hoạt. Tuy nhiên, không phải bạn nào cũng được trang bị đầy đủ kỹ năng khai thác, quản lý thông tin trên mạng xã hội.
Lấy ví dụ về một trường hợp nữ sinh tại Hà Nội phải tự tử vì bị bôi nhọ trên mạng xã hội, Thiếu tá Giang đặt câu hỏi: “Các em có biết việc bạo lực ngôn từ, bắt nạt trên mạng xã hội cũng là vi phạm pháp luật hay không? Khi thấy một video độc hại thì các em phải làm gì hay tiếp tục xem?”
Trao đổi với phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, cô Đinh Thị Thùy Linh, giáo viên chủ nhiệm lớp 10C7 cho rằng, thuốc lá điện tử đang len lỏi và gia tăng trong học đường, tập trung chủ yếu vào đối tượng là học sinh, sinh viên. Thuốc lá điện tử có tác hại vô cùng nghiêm trọng, tác động vào tinh thần, sức khỏe học tập và tương lai của các em.
Cô Linh nói thêm: Internet là kho tàng tri thức, là nguồn giải trí phong phú và trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi người. Mặt khác, internet cũng tiềm ẩn rất nhiều thông tin độc hại nếu ta không biết chọn lọc.
“Qua buổi tuyên truyền hôm nay, nhà trường muốn truyền tải tới các em thông điệp không hút thuốc lá điện tử; hãy khai thác, quản lý, sử dụng thông tin trên không gian mạng một cách hiệu quả, thông minh và văn minh nữa”, cô Linh nhắn nhủ.
Em Đoàn Tuấn Nghĩa, lớp 10C9 đánh giá: “Sau khi được nghe chia sẻ của Thiếu tá Nguyễn Văn Giang, em thấy phải tự có trách nhiệm với bản thân, nói không với thuốc lá điện tử; khuyên ngăn nếu bạn bè xung quanh em sử dụng và không lạm dụng mạng xã hội, bạo lực ngôn từ, bắt nạt và tiếp cận, sử dụng chọn lọc, hiệu quả thông tin trên mạng xã hội”…
Cũng tại buổi chào cờ đầu tháng 10, thầy Phạm Quốc Hiệu - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng và cô Hoàng Thị Phương Thảo – Hiệu trưởng nhà trường đã trao thưởng cho các em học sinh và giáo viên hướng dẫn vì đã có thành tích cao trong kỳ thi học sinh giỏi thành phố vừa qua./.