Đầu tháng 9, tôi đưa con gái đi nhập học. Cháu học ở một trường quốc tế tại quận Bình Thạnh, TPHCM. Ngoài các khoản học phí và các loại phí khác phải đóng thì còn thêm nhiệm vụ chọn các môn học tự nguyện nữa.
Học vẽ, học nhạc, học kỹ năng tranh luận - hùng biện, học thêm ngoại ngữ, học thực hành trồng cây nuôi cá… mỗi môn đều có mức phí riêng. Năm nào tôi cũng đăng ký cho bé nhà tôi vài lớp tự nguyện như vậy.
Lúc đầu tôi cứ nghĩ là giáo viên của nhà trường dạy học, sau mới biết là trường ký hợp đồng với các trung tâm bên ngoài để họ đến dạy. Nghe cũng có lý vì không lẽ trường tuyển một cô làm full time (toàn thời gian) chỉ để dạy vài lớp tự nguyện còn lại ngồi chơi? Làm như thế chi phí quá đắt, mà cũng không hiệu quả.
Chưa kể dù tuyển giáo viên thì cũng là một tổ bộ môn nhỏ, chẳng có tương tác, đào tạo nâng cao chuyên môn, cũng chẳng đánh giá, kiểm tra kiểm định chất lượng các cô được. Thành ra các trường thuê luôn đơn vị hợp đồng bên ngoài cho xong. Và đó là cách trường con tôi học thực hiện.
Nhưng đó là trường tư. Mọi chuyện dễ dàng xử lý. Trường công thì khác nhiều.
Ở trường công, muốn đưa môn A, môn B vào giờ học tự nguyện thì phải được phê duyệt. Việc phê duyệt này cũng qua nhiều cấp để đảm bảo các môn học này thực sự có ích và đúng định hướng. Sau khi được phê duyệt thì tiền đâu mà làm, tổ chức thực hiện ra sao? Loanh quanh một hồi thì trường công cũng phải chọn cách tiếp cận như trường tư, tức là thuê ngoài cho rẻ và hiệu quả, phụ huynh ai đăng ký thì trả tiền.
Cách tổ chức môn tự nguyện nghe qua như vậy là hợp lý, nhưng vẫn có lời ra tiếng vào. Đồng tiền nối liền khúc ruột, ông bà ta bảo thế.
Phí chồng phí và quyền được chọn
"Chẳng biết có tác dụng gì không mà đóng nhiều khoản quá". Đó là phản ứng thường thấy ở một số phụ huynh. Cái này cũng chẳng sai. Tôi có anh bạn làm lái xe. Mới hai tuần trước gặp nhau anh ấy lè lưỡi bảo đóng phí cho con đi học đầu năm tốn quá, chịu hết nổi.
Nhưng cũng anh bạn lái xe ấy đang cho con đi học thêm boxing và sư phụ là một vận động viên đang thi đấu boxing chuyên nghiệp ở Việt Nam. Cũng tốn tiền chứ, nhưng mà cháu nó thích. Về nhà nhìn thấy nó múa may đấm đá say mê thì cũng phấn khởi.
Câu hỏi về phí chồng phí vì thế là một câu hỏi đúng về nội dung nhưng sai ở cách đặt vấn đề. Nó đúng ra phải hỏi là: "Trò có bị ép học môn tự nguyện mà các con không muốn học hay không?".
Tự nguyện mà, phải thực sự là tự nguyện thì mới đúng.
Đâu đó có thể có hiện tượng học sinh bị ép vào các lớp học tự nguyện mà không có sự tự nguyện. Cái này cần phải chấn chỉnh. Nhưng sâu sa hơn nữa, việc đưa ra các môn tự nguyện nào cũng nên có ý kiến tham vấn của hội phụ huynh.
Nếu danh sách các môn tự nguyện mà không chất lượng thì còn gì gọi là tự nguyện nữa? Ở vùng núi cao mà dạy kỹ năng sinh tồn ở biển chẳng hạn thì chẳng hợp lý chút nào (nhưng có môn tự nguyện cho các cháu ở thành phố học bắt cua bắt cá thì có thể vẫn hợp lý). Có tiếng nói của hội phụ huynh thì vấn đề này dễ được giải quyết.
Ở Úc, người ta đưa ra nhiều lựa chọn cho các hoạt động sau giờ học. Phụ huynh và học sinh được cung cấp thông tin tóm tắt về các lựa chọn, đảm bảo họ chọn tham gia các chương trình này chứ không bị ép buộc. Việc triển khai một hệ thống lựa chọn minh bạch tương tự ở Việt Nam sẽ đảm bảo học sinh và phụ huynh đưa ra quyết định sáng suốt.
Dĩ nhiên, có các môn học tự nguyện hay ho rồi nhưng tùy gia cảnh mà các phụ huynh có thể cho con học hoặc không học các môn này. Quyền không tham gia là một quyền cần phải được tôn trọng cả về mặt nguyên tắc lẫn trong thực tế.
Học sinh quá tải
"Cháu nó học nhiều lắm rồi, quá tải rồi, mà mãi không giỏi". Đây cũng là mệnh đề phổ biến. Trẻ em sinh ra không ai giống ai. Và với cùng một khối lượng kiến thức, có bạn sẽ thấy rất đơn giản, một số bạn khác sẽ thấy quá tải. Chuyện đó luôn tồn tại, và sẽ không bao giờ biến mất.
Liên quan đến giờ học môn liên kết và mối lo học sinh quá tải, điều quan trọng là các trường cần thực sự cho học sinh quyền "không tham gia" các môn tự nguyện mà các cháu không muốn học. Sẽ hầu như chẳng có cháu nào thấy quá tải khi chơi game hay xem TikTok, dù lượng thông tin các cháu phải giao tiếp với các nền tảng này không nhỏ.
Thế nên vấn đề là các môn tự nguyện này phải không nhàm chán, không tạo gánh nặng cho học sinh với những nội dung lặp đi lặp lại. Đó có thể là sự thay đổi trong phương pháp giảng dạy, nhấn mạnh vào việc học thực tế, những thách thức trong thế giới thực và nuôi dưỡng sự sáng tạo.
Các lớp học này cũng có thể khám phá những lĩnh vực thường nằm ngoài tầm nhìn của chương trình giảng dạy tiêu chuẩn, mở rộng quan điểm học tập của học sinh mà không tập trung vào các môn học thông thường của họ, thí dụ dạy STEM, một lĩnh vực mà Việt Nam đang thiếu trầm trọng giáo viên có trình độ tại các trường công.
Chất lượng giáo viên thuê ngoài không đảm bảo
"Nghe nói nhà trường sẽ mời giáo viên nước ngoài, ai ngờ đâu là người không có chuyên môn giáo dục". Quan điểm này lâu lâu được nhắc tới khi nói về giảng dạy tiếng Anh trong trường công lập. Quản lý việc này thực ra chẳng có gì khó khi nhà trường có thể quy định trong hợp đồng với các đơn vị cung ứng về tiêu chuẩn chất lượng của giáo viên như bằng cấp, số năm kinh nghiệm, chứng chỉ hành nghề.
Ngoài ra, nhiều trường công cũng thừa khôn ngoan để sử dụng nhiều đơn vị cung ứng khác nhau để cung cấp cùng một dịch vụ. Ví dụ, dạy tiếng Anh, có thể đánh giá tiến bộ của học sinh khi tham gia học với mỗi nhà cung cấp, từ đó có cơ sở để lựa chọn tiếp tục hay chấm dứt hợp đồng.
Lô-gíc thông thường sẽ là việc thuê ngoài và hợp đồng ngắn hạn (có gia hạn thường xuyên), nếu biết cách triển khai sẽ tạo sức ép thường xuyên và liên tục để các đơn vị tư nhân tham gia giảng dạy ở trường công phải liên tục đổi mới, sáng tạo, tối ưu hóa chi phí… để cung cấp dịch vụ tốt nhất và rẻ nhất cho trường.
Nhìn vào Mỹ, các trường bán công (về cơ bản được tài trợ bằng ngân sách nhà nước nhưng do tư nhân quản lý vận hành) thường hoạt động tốt hơn các trường công lập truyền thống do có phương pháp giảng dạy và chương trình giảng dạy sáng tạo.
Tại Việt Nam, chúng ta có thể đặt ra các tiêu chuẩn nghiêm ngặt tương tự, đảm bảo rằng các buổi học do tổ chức giáo dục tư nhân dạy sẽ mang lại phương pháp giảng dạy chất lượng cao và sáng tạo cho các trường công lập.
Lạm thu và lợi nhuận
"Nghe nói họ kiếm tiền nhiều lắm, còn hoa hồng chia cho trường". Cũng là một dạng quan điểm từ một vài "nhà phân tích". Thực ra, để kiểm chứng việc này sai hay đúng rất dễ.
Một giờ học nhạc ở trung tâm bên ngoài thu phí bao nhiêu và khi được cung cấp trong giờ học liên kết ở trường thu phí bao nhiêu, so với nhau sẽ thấy ngay là học sinh có bị lạm thu (over-charge) hay không (dĩ nhiên phải so sánh đúng, tức là giáo viên dạy chất lượng phải tương đương, điều kiện cơ sở vật chất, sĩ số cũng phải khá tương đồng).
Đạo đức của khu vực tư nhân khi kiếm lợi từ các trường công đáng được giám sát kỹ. Tuy nhiên, tư nhân cung cấp dịch vụ thì họ cần phải có lợi nhuận. Nhà trường tham gia hỗ trợ điều phối, quản lý, giám sát, gánh các chi phí phát sinh như điện nước, văn phòng phẩm… thì cũng cần được bù đắp các chi phí này. Vì thế việc tư nhân thì có lợi nhuận và nhà trường cũng có nguồn thu để bù đắp chi phí phát sinh là việc bình thường, hợp lý.
Vấn đề chỉ là lợi nhuận thế nào là hài hòa, tương xứng với chất lượng mà học sinh được nhận. Việc hợp tác giữa nhà trường và các cơ sở cung cấp dịch vụ nếu được thực hiện trên cơ sở mở thầu công khai, minh bạch, có giám sát, kiểm tra đầy đủ, định kỳ, thì những quan ngại dạng này sẽ tự động biến mất.
Chúng ta có thể nhìn vào mô hình của Vương quốc Anh, trong đó quan hệ đối tác công - tư trong giáo dục đòi hỏi phải có sự đánh giá theo giá trị đồng tiền bỏ ra. Điều này đảm bảo rằng mặc dù các tổ chức tư nhân có thể kiếm được lợi nhuận nhưng họ cũng phải chịu trách nhiệm cung cấp những cải tiến giáo dục hữu hình.
Việc thực hiện những đánh giá như vậy ở Việt Nam có thể đảm bảo sự cân bằng công bằng giữa lợi nhuận và chất lượng giáo dục.
Tóm lại, cuộc thảo luận liên quan đến giáo dục tự nguyện ở trường công và việc tham gia của các đơn vị thuê ngoài là một cuộc thảo luận thú vị. Điều này cũng có nhiều bài học và gợi ý về chính sách có thể rút ra để các trường công làm tốt, đem lại lợi ích cao hơn cho học sinh.
Ví dụ, vấn đề làm thế nào để đảm bảo tự nguyện thực sự là tự nguyện, hay việc triển khai thuê ngoài, đấu thầu như thế nào cho minh bạch và hiệu quả, việc quản lý giám sát thế nào để chất lượng càng ngày càng được nâng cao…
Tuy nhiên sẽ là ngộ nhận và lầm lạc khi đánh đồng các môn học tự nguyện với "học thêm" để từ đó chĩa mũi dùi, bôi nhọ giáo dục tự nguyện, vốn là một phần không thể thiếu của giáo dục phổ thông trên khắp thế giới. Việc này chẳng khác nào ra trận nhìn quân ta và quân địch cùng mặc áo rằn ri mà nhầm lẫn. Gần đây có một vài nơi đang đẩy cuộc thảo luận theo hướng gây nhầm lẫn này.
* Bài viết nêu quan điểm của Tiến sĩ Trần Vinh Dự.
Ông Trần Vinh Dự là chuyên gia, thường xuyên đóng góp các bài viết chuyên môn về kinh tế và giáo dục trên các báo, tạp chí kinh tế và kinh doanh trong nước và quốc tế.
Ông có kiến thức sâu sắc và kiến thức chuyên môn sâu rộng cả ở Việt Nam và Mỹ trong nhiều lĩnh vực kinh tế.
Ông Dự có bằng Tiến sĩ Kinh tế và MBA Khoa học Kinh tế của Đại học Texas tại Austin, Mỹ và bằng cử nhân Kinh tế & Toán học của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Ông là thành viên Hội Kế toán viên Công chứng Úc (CPA Australia) và Hiệp hội Kinh tế Mỹ (AEA).