Học sinh Côn Đảo trong một buổi trải nghiệm.
Một số nơi không còn chế độ biệt phái nhưng do cần người làm nên “mượn tạm” từ các trường. Làm việc chuyên môn cho phòng nhưng danh phận của đội ngũ này không rõ ràng trong khi công việc nhiều, áp lực lớn...
Hết biệt phái sang trưng dụng
Khi còn quy định về biệt phái giáo viên từ các trường học đến công tác tại Phòng GD&ĐT Điện Bàn, thầy Trần Văn Ninh đang đảm nhiệm công tác tổ chức – cán bộ tại đơn vị này. Năm 2019, Sở Nội vụ Quảng Nam yêu cầu các phòng GD&ĐT không duy trì chế độ biệt phái, thầy Ninh phải gánh một vai hai việc.
Mỗi tuần, thầy Ninh đều về trường đảm nhận một số tiết dạy theo quy định, thời gian còn lại tập trung cho công tác tại phòng GD&ĐT. Khi bổ nhiệm chức danh Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Ngọc Nhân, số tiết dạy của thầy Ninh giảm đi, chỉ 4 tiết/tuần. Nhưng số lượng đầu việc không vì thế mà giảm vì thầy phải đảm nhận một số nội dung trong công tác quản lý trường học.
Phòng GD&ĐT Điện Bàn hiện có 3 thầy cô theo diện trưng tập như thầy Trần Văn Ninh. Dù danh sách bảng lương có ở các trường nhưng các thầy làm thêm nhiều phần việc tại phòng GD&ĐT. Thực ra nói là biệt phái bán thời gian, trưng tập đều không đúng bản chất, vì những giáo viên này đều phải hoàn thành đủ tiết dạy tại trường song song với việc hỗ trợ các công việc chuyên môn tại phòng GD&ĐT. Do đó, với đội ngũ này, gần như khối lượng công việc là gấp đôi.
Bà Trần Thị Thanh Vân - Trưởng phòng GD&ĐT Điện Bàn - cho biết, hình thức biệt phái “bán thời gian” đã giải quyết được bài toán thiếu nhân lực theo đầu việc. “Thế nhưng, chúng tôi vẫn lo vì không có cơ sở pháp lý nào để làm căn cứ. Nói thật, nếu thầy cô trên đường đi làm tại phòng GD&ĐT, chẳng may xảy ra sự cố gì thì không biết phải làm thế nào”, bà Vân chia sẻ.
Thời điểm năm 2019, khi “siết” quy định điều động giáo viên biệt phái, Phòng GD&ĐT Hòa Vang (TP Đà Nẵng) chỉ có 5 biên chế, trong đó có 3 lãnh đạo và 2 viên chức phụ trách tổng hợp và tổ chức. Nếu theo vị trí việc làm, các phòng GD&ĐT phải có chuyên viên phụ trách các bậc học mầm non, tiểu học, THCS, hoạt động ngoài giờ…
Thế nhưng, từ năm 2014 – 2019, Phòng GD&ĐT Hòa Vang giảm 7 biên chế do điều động công tác về sở GD&ĐT và đến tuổi nghỉ hưu nhưng không được bổ sung thêm do thời điểm đó chưa bị hạn chế số lượng giáo viên biệt phái. Dù khối lượng công việc quản lý, chỉ đạo chuyên môn tại phòng rất lớn, nhưng do tính chất đặc thù của ngành Giáo dục nên khi trả các giáo viên biệt phái về trường học thì cũng không thể luân chuyển viên chức từ các phòng chuyên môn khác của UBND huyện đến công tác phòng GD&ĐT được.
|
Phòng GD&ĐT huyện Thái Thụy tổ chức chuyên đề về nâng cao năng lực số, sống an toàn trên không gian mạng.
|
Khó bố trí công việc
Huyện Hạ Hòa (Phú Thọ) có 19 xã, 1 thị trấn với 73 cơ sở giáo dục các cấp học do UBND huyện quản lý, trong đó có 97 điểm trường. Số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn ngành là 1.750 người. Với quy mô như vậy, Phòng GD&ĐT Hạ Hòa được giao 6 biên chế (năm 2022). Trường hợp đủ 6 biên chế, thì theo vị trí việc làm của phòng cũng khó có thể đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, thực tế số biên chế hiện nay chỉ có 3 người, gồm 1 trưởng phòng, 1 phó phòng và 1 chuyên viên.
Ông Phạm Ngọc Diễm, Trưởng phòng GD&ĐT Hạ Hòa, cho biết: “Thiếu nhân sự, trong đó có 1 phó trưởng phòng nên việc bố trí, sắp xếp, phân công công việc không tránh khỏi khó khăn. Để thực hiện được nhiệm vụ, Phòng GD&ĐT Hạ Hòa trưng tập thêm 9 nhân sự từ các cơ sở giáo dục, chủ yếu là phó hiệu trưởng.
Hiện, tất cả chuyên viên mầm non, tiểu học, THCS tại phòng đều là nhân sự được trưng tập, chưa có biên chế. Việc này sẽ nảy sinh bất cập là trường có cán bộ được trưng tập sẽ thiếu 1 cán bộ quản lý. Bên cạnh đó, một số cán bộ trưng tập mong muốn được chuyển sang công chức để gắn bó lâu dài và có cơ hội phát triển nhưng việc này không dễ, nên ảnh hưởng đến tâm lý làm việc. Từ thực tế công việc, Phòng GD&ĐT Hạ Hòa cần khoảng 10 - 12 biên chế mới có thể bảo đảm được vị trí việc làm như hiện tại.
Với huyện Côn Đảo, dù thiếu người nhưng ông Nguyễn Văn Mạnh cho biết, phòng GD&ĐT không sử dụng đội ngũ cán bộ, giáo viên biệt phái từ các trường do khó khăn chế độ, chính sách. Nếu giáo viên, từ trường lên phòng công tác thì các phụ cấp đứng lớp, phụ cấp thâm niên không được hưởng, dẫn đến giảm lương, thời gian làm việc áp lực hơn. Mức lương, phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên của cán bộ quản lý, giáo viên là tổ trưởng, tổ phó các trường (đội ngũ có thể huy động được để hỗ trợ phòng GD&ĐT) đều cao hơn hẳn mức lương lãnh đạo, chuyên viên phòng GD&ĐT.
Bên cạnh đó, các trường cũng đang thiếu biên chế, sĩ số học sinh/lớp đông. Phòng thiếu biên chế, trường cũng không đủ, nên việc trưng dụng, biệt phái viên chức từ trường lên phòng là không dễ. Lý do nữa là nhân viên biệt phái (nếu có) giỏi chuyên môn nhưng chưa quen với công tác quản lý, hành chính văn phòng tại phòng GD&ĐT nên việc hỗ trợ, biệt phái gặp nhiều khó khăn. Do cần thời gian làm quen tại đơn vị mới nên áp lực công việc với đội ngũ nhân viên biệt phái rất lớn, chưa kể phải hoàn thiện công việc tại đơn vị chủ quản.