Sự quan tâm, khích lệ của giáo viên góp phần giúp học sinh giải tỏa căng thẳng trong học tập, sinh hoạt. Trong ảnh: Cô trò Trường THCS Trần Hưng Đạo ( huyện Thủy Nguyên).
Không ít khó khăn
Tại Chương trình “hành trình học sinh, sinh viên khởi nghiệp” do Sở GD-ĐT phối hợp Vụ Giáo dục công tác học sinh, sinh viên tổ chức, những lời tâm sự cùng nước mắt của Nguyễn Lê Ngọc H, lớp 12A3, Trường THPT Lê Chân, khiến cả hội trường lặng đi. Ngọc H bày tỏ: Em có ý tưởng “khởi nghiệp” khi còn trên ghế nhà trường, nhưng gia đình cho rằng đó là dự định viển vông. Thực sự em cảm thấy chán nản vì gia đình không đồng cảm với mình. Với Đỗ Đình K, ở ngõ 193 phố Văn Cao (quận Hải An), những ngày qua là khoảng thời gian căng thẳng bởi em muốn thi vào Trường THPT Thái Phiên, nhưng gia đình buộc em làm hồ sơ thi vào Trường THPT Hải An. Để tỏ thái độ phản đối, K không tích cực ôn thi, thu mình không muốn nói chuyện. Chị Phạm Thị H, mẹ K phân trần: “Kết quả thi khảo sát, cháu chỉ ở mức trung bình, khó đỗ vào trường đúng nguyện vọng nên gia đình đăng ký vào “trường an toàn” hơn, không ngờ cháu phản ứng như vậy. Thời điểm thi cận kề, gia đình rất lo lắng, phải nhờ cô chủ nhiệm khuyên bảo...”.
Không chỉ chịu sức ép từ gia đình về chọn trường, lớp, nghề nghiệp, lứa tuổi học trò gặp nhiều áp lực, lo lắng liên quan đến học tập, quan hệ bạn bè, tình cảm…. Thực tế cho thấy, nhu cầu của học sinh về tư vấn tâm lý khá lớn. Tuy nhiên, mức độ tiếp cận hoạt động này của học sinh chưa nhiều. Thầy Tạ Xuân Hòa, Phó hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền nhận xét: Học sinh phổ thông đang ở giai đoạn phát triển tâm sinh lý, nhận thức các vấn đề cuộc sống chưa đầy đủ nên công tác tư vấn học đường khá quan trọng. Việc sớm phát hiện và tư vấn kịp thời giúp xử lý các nguy cơ tiềm ẩn có thể phát sinh như: chán học, bỏ học, bạo lực học đường, các hành vi vi phạm pháp luật, tự hủy hoại bản thân, sa ngã vào tệ nạn xã hội… Tuy nhiên, hiện các trường đều chưa có biên chế, thù lao đối với người làm công tác tư vấn tâm lý học đường... Theo thầy Hòa, mỗi trường có từ vài trăm đến cả nghìn học sinh, do vậy nếu có riêng chuyên gia tư vấn tâm lý sẽ hiệu quả hơn. Nếu chưa thể có ngay, ngành Giáo dục nên có tài liệu để giáo viên nghiên cứu cũng như hỗ trợ học sinh tham khảo...
Với hơn 14 năm tham gia công tác chủ nhiệm, cô Bùi Thị Dung, giáo viên Trường THPT Kiến Thụy cho rằng, những người làm công tác tư vấn tâm lý học đường đều kiêm nhiệm, nên gặp một số vướng mắc, khó khăn trong hoạt động này. Với chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo viên chủ nhiệm đảm nhiệm công tác chuyên môn, kiêm thêm vai trò “chuyên gia tâm lý” nên khó chuyên sâu bởi không có nhiều thời gian và tài liệu hỗ trợ...
Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), toàn thành phố có gần 500 trường phổ thông. Hiện, hầu hết trường đều thành lập Tổ tư vấn tâm lý học đường; nhận thức của lãnh đạo, cán bộ giáo viên trong công tác tư vấn tâm lý học sinh ngày càng nâng cao. Tuy nhiên, nhân lực chuyên sâu còn hạn chế; công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức đối với gia đình, xã hội về sức khỏe tinh thần và tâm lý học đường chưa đa dạng; công tác phối hợp giữa nhà trường và các cơ quan chức năng trong tư vấn học đường chưa phong phú; tài liệu nghiệp vụ còn thiếu thốn, nhiều học sinh chưa mạnh dạn tìm đến thầy cô nhờ hỗ trợ...
Nỗ lực hướng tới chuyên nghiệp
Để kịp thời giải tỏa căng thẳng tâm lý của học sinh, theo cô Bùi Thị Dung, quan trọng nhất là giáo viên luôn đồng hành học sinh. “Giáo viên phải vừa là cô giáo, vừa là người mẹ, người bạn, chuyên gia tâm lý để học sinh tin tưởng, giãi bày” - cô Dung bộc bạch. Khắc phục hạn chế không được đào tạo chuyên sâu, cô thường xuyên đọc sách tâm lý. Với tình huống khó, cô nghiên cứu tài liệu để tìm cách giải quyết hiệu quả.
Tại Trường THPT Ngô Quyền, nhà trường chọn những giáo viên có kinh nghiệm, am hiểu tâm sinh lý lứa tuổi học sinh và khả năng truyền đạt tốt để làm công tác tư vấn học đường. Ngoài ra, nhà trường cũng yêu cầu trong quá trình tư vấn, giáo viên phải giữ bí mật những vấn đề có tính nhạy cảm để học sinh tránh mặc cảm. Còn tại Trường THPT chuyên Trần Phú, Phó hiệu trưởng Nguyễn Thị Ngà cho biết, nhà trường giao Đoàn Thanh niên tổ chức nhiều hoạt động để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của học sinh, qua đó giúp nhà trường kịp thời hỗ trợ những học sinh gặp vấn đề về tâm lý. Ngoài ra, các thành viên tổ tư vấn phối hợp giáo viên chủ nhiệm thực hiện tư vấn trực tiếp, gián tiếp (qua email, điện thoại), tương tác đám đông qua tiết sinh hoạt lớp, hoạt động tập thể... Các giáo viên cũng thường xuyên tự bồi dưỡng kiến thức để nâng cao khả năng tư vấn...
Cùng với hoạt động chuyên môn, công tác giáo dục đạo đức, tư vấn học đường... luôn được ngành GD-ĐT quan tâm. Hằng năm, trong các văn bản hướng dẫn nhiệm vụ năm học, Sở chỉ đạo các nhà trường chú trọng phòng ngừa, hỗ trợ can thiệp kịp thời, giảm thiểu tác động tiêu cực có thể xảy ra, góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống bạo lực học đường. “Để nâng cao hiệu quả tư vấn tâm lý học đường, các trường cần tiếp tục xây dựng các chuyên đề tư vấn tâm lý phù hợp tâm sinh lý học sinh; đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí, tài liệu đối với hoạt động tư vấn. Sở đẩy mạnh tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên làm công tác tư vấn tâm lý; tăng cường phối hợp giữa nhà trường - gia đình và xã hội trong hoạt động này... Qua đó, góp phần ổn định đời sống tinh thần, nâng cao hiệu quả giáo dục trong các nhà trường” - Phó giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Quốc Hiệu thông tin./.