Thành phần tham dự các chuyên đề gồm các đại biểu là đại diện Ban Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; lãnh đạo và các chuyên viên Phòng Giáo dục Trung học; Ban Giám hiệu và các giáo viên, học sinh các nhà trường; đại diện lãnh đạo các quận, huyện và một số phường/xã nơi tổ chức các chuyên đề. Riêng đại biểu giáo viên, bao gồm cả hai cấp học THCS và THPT, mỗi trường 3 - 5 giáo viên cốt cán.
Ảnh: Học sinh báo cáo nội dung học tập chuyên đề,trường THCS Thị trấn, Phòng Giáo dục Tiên Lãng.
Việc tổ chức các chuyên đề có 2 mục tiêu chính: một là, thông qua việc thực hiện các chuyên đề để tập huấn, rút kinh nghiệm trực tiếp cho đội ngũ giáo viên trung học ở cả hai cấp học THCS và THPT hiểu được ý nghĩa thực tiễn và cách thức tổ chức thực hiện một chủ đề dạy học tích hợp có hiệu quả nhất; hai là, đổi mới phương pháp giảng dạy của giáo viên và phương pháp học tập của học sinh theo định hướng hình thành và phát triển năng lực học sinh, đặc biệt là năng lực thực tiễn.
Khác với cách thức tổ chức chuyên đề cấp thành phố của nhiều năm học trước đây, Sở hoặc Phòng Giáo dục ra ý tưởng, lên kế hoạch "cứng" rồi yêu cầu các nhà trường thực hiện. Năm học này,việc chọn ý tưởng, lên kế hoạch tổ chức thực hiện đều do các tổ nhóm chuyên môn của nhà trường chủ động, thảo luận, đề xuất với Ban Giám hiệu nhà trường, thông qua Phòng Giáo dục; sau đó xin ý kiến tư vấn của Phòng chuyên môn Sở rồi thực hiện. Từ đó mới thực sự phát huy được các thế mạnh của các nhà trường, phát triển năng lực thực tiễn của giáo viên và học sinh.
Sau phần tổ chức báo cáo nội dung chuyên đề của học sinh là phần thảo luận, rút kinh nghiệm. Những kết quả của việc tổ chức các chuyên đề dạy học tích hợp trên đây được ghi nhận cụ thể như sau:
1. Các nhà trường đã lựa chọn được tên các chủ đề dạy học mang tính tiêu biểu và đặc trưng của đời sống kinh tế - xã hội, lịch sử phát triển của địa phương thuộc địa bàn nhà trường, các đề tài có ý nghĩa giáo dục cao. Địa điểm và không gian tổ chức linh hoạt và sáng tạo.
2. Nội dung và cách thức tổ chức hoạt động dạy học đúngvới yêu cầu của việc tổ chức dạy học theo chủ đề tích hợp, bám sát nội dung công văn hướng dẫn hoạt động chuyên môn của Sở Giáo dục và Đào tạo trong năm học. Quá trình tích hợp nội dung các môn học mang tính bản chất, không hình thức, gượng ép.
3. Thực hiện đổi mới dạy học một cách khá toàn diện như: không gian học tập ngoài trời, đối tượng học sinh đa dạng ở nhiều khối lớp, sử dụng hiệu quả nhiều phương pháp và kĩ thuật dạy học mới (dự án,sân khấu hóa, chuyên gia, thực địa, khảo sát, thi vẽ tranh, sáng tác thơ...),các tương tác của học sinh đa dạng, đa chiều và giải quyết được nhiều tình huống thực tiễn.
Ông Đỗ Văn Lợi - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, phát biểu tại buổi tổ chức chuyên đề dạy học tích hợp của PGD Lê Chân
4. Huy động được nhiều nguồn lực của nhà trường và xã hội cho dạy học. Thông qua giao lưu giữa học sinh với các nhân chứng lịch sử, lão thành cách mạng và sự tham dự của nhiều đại biểu thành phố, đại biểu quận huyện và các tổ chức xã hội sẽ góp phần phát triển được mối quan hệ giữa nhà trường - xã hội, lan tỏa được các nét đẹp của địa phương và sự quan tâm của cộng đồng đối với sự nghiệp giáo dục. Bài học của học sinh từ đó cũng đượcbước ra ngoài "sân trường", đi vào thực tiễn cuộc sống.
Ảnh: Các đại biểu tham dự chuyên đề cấp thành phố "Trang An Biên xưa và nay" tại đình An Biên, phường An Biên, quận lê Chân.
5. Trong phần thảo luận, rút kinh nghiệm, các ý kiến chia sẻ thắng thắn, chủ động từ các đại biểu giáo viên của các nhà trường thuộc cả hai cấp học (theo giấy triệu tập) và sự có mặt đầy đủ của các giáo viên đến khi kết thúc Hội thảo đã khẳng định được tính thực tiễn của việc hướng dẫn tổ chức dạy học theo chủ đề tích hợp của Sở Giáo dục và Đào tạo trong năm học. Giữa việc ra văn bản chỉ đạo thực hiện các hoạt động chuyên môn của Sở Giáo dục đến việc tổ chức chức thực hiện của các nhà trường THPT, các Phòng Giáo dục và cụ thể là các tổ/nhóm chuyên môn mang tính thống nhất cao.
Kết thúc chuyên đề, đại diện Lãnh đạo Sở Giáo dục nêu một số yêu cầu như sau:
- Các nhà trường tiếp tục rà soát, chủ động xây dựng chương trình nhà trường, cụ thể là việc xây dựng các chủ đề dạy học.
- Nhân rộng mô hình tổ chức của các chuyên đề trên đây trong tất cả các nhà trường trên địa bàn thành phố ở cả hai cấp học THCS và THPT, linh hoạt và sáng tạo tùy điều kiện dạy học của các nhà trường.
- Vận dụng linh hoạt các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học vào từng bài học trên lớp để tích cực định hướng phát triển năng lực thực tiễn cho học sinh một cách thường xuyên, tránh hình thức và thiếu bền vững.
Hải Phòng, ngày 2/4/2018 (Phòng Giáo dục Trung học).