Hàng loạt đơn vị dừng thi IELTS và nhiều chứng chỉ quốc tế. Minh hoạ của Đan.
Phải loại bỏ các hiện tượng gian lận
Thông tin Hội đồng Anh tạm hoãn thi IELTS và nhiều chứng chỉ quốc tế khác đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Đáng chú ý, không chỉ Hội đồng Anh mà trước đó cũng đã có nhiều đơn vị khác thông báo tạm dừng tổ chức thi chứng chỉ ngoại ngữ nước ngoài. Việc tạm dừng thi không chỉ diễn ra với các chứng chỉ tiếng Anh mà còn ở chứng chỉ tiếng Trung và tiếng Nhật…
Trong đó, nhiều đơn vị đưa ra lí do nhằm hoàn tất hồ sơ theo quy định ở Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT quy định về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài. Thông tư do Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ ký ngày 26.7.2022 và có hiệu lực Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10.9.2022.
Ở điều khoản về bảo đảm chất lượng trong liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài, Thông tư quy định: Đề thi bảo đảm độ tin cậy, tính chính xác, khách quan, minh bạch, công bằng trong đánh giá năng lực ngoại ngữ của thí sinh; không vi phạm pháp luật, thuần phong, mỹ tục, văn hóa của Việt Nam; được bảo mật khi sao in, đóng gói, vận chuyển (nếu có), bảo quản và sử dụng; đề thi mẫu được công bố để thí sinh tiếp cận dễ dàng, đầy đủ.
Quy trình đăng ký dự thi, quy trình tổ chức thi bảo đảm chặt chẽ, khoa học, tin cậy, chính xác, khách quan, minh bạch, công bằng trong đánh giá năng lực ngoại ngữ của thí sinh, ngăn ngừa và loại bỏ các hiện tượng gian lận…
Một yêu cầu khác là cần quy định rõ ràng, chặt chẽ về đội ngũ cán bộ, kỹ thuật viên, nhân viên của các bên liên kết khi tham gia tổ chức thi.
Kết quả thi được công bố kịp thời, đúng quy định, thuận lợi; kết quả thi được lưu trên hệ thống dữ liệu để phục vụ việc xác thực kết quả của bài thi trong thời hạn kết quả thi còn hiệu lực…
Thông tư yêu cầu cơ sở tổ chức thi của Việt Nam cung cấp thông tin về các yếu tố bảo đảm chất lượng gồm: Chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng hoặc kiểm tra, đánh giá năng lực ngoại ngữ của đơn vị; Trang thông tin điện tử chính thức, hợp pháp cung cấp thông tin đầy đủ, rõ ràng cho thí sinh đăng ký dự thi và phục vụ công tác tổ chức thi, xác thực kết quả thi.
Cán bộ quản lý của đơn vị có trình độ cử nhân trở lên thuộc các ngành ngôn ngữ, văn học và văn hóa nước ngoài thuộc ít nhất 1 ngôn ngữ mà đơn vị có liên kết tổ chức thi.
Trong trường hợp sử dụng cán bộ coi thi của cơ sở tổ chức thi tại Việt Nam: Mỗi phòng thi phải có ít nhất 1 cán bộ coi thi là giảng viên hoặc giáo viên, các cán bộ coi thi khác phải có trình độ từ cao đẳng trở lên và phải được tập huấn về nghiệp vụ coi thi; có đội ngũ kỹ thuật viên đáp ứng yêu cầu sử dụng các thiết bị phục vụ cho việc tổ chức thi; có đủ nhân viên phục vụ việc tổ chức thi.
Đón đầu “cơn sốt” cho con học IELTS của phụ huynh, nhiều trung tâm luyện thi đã đưa ra hàng loạt quảng cáo chào mời luyện thi IELTS, thậm chí từ mẫu giáo. Ảnh: H.N.
Phòng thi phải được ghi âm, ghi hình
Địa điểm, cơ sở vật chất, thiết bị bảo đảm để tổ chức thi nhiều yếu tố về phòng thi, có hệ thống camera giám sát ghi được toàn bộ diễn biến của cả phòng thi liên tục trong suốt thời gian thi, chấm thi (nếu có), dữ liệu camera được lưu trữ ít nhất 2 năm và được sử dụng theo quy định của pháp luật.
Quy định cũng nêu rõ phải đảm bảo có đủ các thiết bị ghi âm, phát âm, ghi hình, phần mềm chuyên dụng đáp ứng yêu cầu tổ chức thi; có thiết bị kiểm tra an ninh (cổng từ hoặc thiết bị cầm tay) để kiểm soát, ngăn chặn được việc thí sinh mang tài liệu, đồ dùng trái phép vào phòng thi.
Các cơ sở phải có hòm, tủ, hay két sắt có khoá chắc chắn để bảo quản đề thi, bài thi bảo đảm an toàn và bảo mật; phải có đủ phương tiện, thiết bị, thiết bị bảo mật, có giải pháp bảo đảm an toàn thông tin và chống gian lận hiệu quả.
Ngay sau khi Thông tư 11/2022/TT-BGDĐT được công bố, nhiều đơn vị có liên kết thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài đã lập đề án xin cấp phép. Tuy nhiên, theo cập nhật cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa được sự cho phép chính thức của Bộ GDĐT.