Nhằm tiếp tục đổi mới và nâng cao hơn nữa chất lượng học tập, giảng dạy môn Tiếng Anh trong trường THPT; Trường THPT Ngô Quyền đã tổ chức hội thảo chuyên đề cấp thành phố với nội dung: Khai thác và ứng dụng phương pháp dạy học tích hợp kiến thức và ngôn ngữ trong chương trình GDPT 2018. Chuyên đề do Nhóm giáo viên Tiếng Anh - Trường THPT Ngô Quyền thực hiện.
Để thực hiện các nội dung của chuyên đề, các giáo viên nhóm Tiếng Anh của Trường THPT Ngô Quyền đã tập trung phân tích, đánh giá và chia sẻ để làm rõ một số vấn đề chuyên môn (chủ yếu về phương pháp) sau đây:
1. Phương pháp CLIL (Content and Language Integrated Learning) - là một phương pháp học tích hợp nội dung và ngôn ngữ với mục đích giúp học sinh có thể đồng thời tiếp thu kiến thức môn học và ngôn ngữ mới một cách tự nhiên. CLIL được phát minh bởi 2 tiến sĩ: David Marsh và Anne Maljers từ năm 1994. Ngay khi ra đời, CLIL đã tạo một tiếng vang lớn ở Châu Âu và nhanh chóng được nhiều trường đại học, tổ chức giáo dục danh tiếng hàng đầu thế giới áp dụng vào việc giảng dạy ngoại ngữ. Ở Việt Nam, trong thời gian gần đây phương pháp CLIL đã trở thành một phương pháp giảng dạy ngày càng phổ biến. Đặc biệt là tại các trường quốc tế và các chương trình giáo dục song ngữ.
Phương pháp CLIL giúp học sinh tiếp cận kiến thức môn học bằng cách sử dụng một ngôn ngữ khác không phải là tiếng mẹ đẻ, thông thường là tiếng Anh và tạo ra môi trường học tập tích cực, khuyến khích sự tương tác và sáng tạo trong quá trình học. Trong chương trình GDPT 2018, một số bộ sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 đều có bài học tích hợp nội dung và ngôn ngữ. Các trường học và giáo viên đang ngày càng nhận thức được lợi ích của phương pháp này và áp dụng nó vào quá trình giảng dạy để giúp học sinh phát triển kỹ năng ngôn ngữ trong ngữ cảnh thực tế và ý nghĩa. Học sinh không chỉ học ngôn ngữ, mà còn học ngôn ngữ qua việc tiếp cận và xử lý kiến thức môn học. Điều này giúp học sinh phát triển khả năng sử dụng ngôn ngữ một cách linh hoạt và tự tin hơn. Tuy nhiên, việc tích hợp nội dung và ngôn ngữ trong bài dạy không phải là một nhiệm vụ đơn giản, đòi hỏi giáo viên không chỉ có nền tảng về ngôn ngữ mục tiêu tốt mà còn cả về kiến thức môn học. Bên cạnh đó, việc giảng dạy bài học CLIL đòi hỏi sự kết hợp tinh tế và linh hoạt của nhiều yếu tố để tạo ra môi trường học tập đa dạng và hấp dẫn.
2. Lợi ích của việc học tiếng Anh bằng phương pháp CLIL
2.1. Phát triển khả năng tư duy toàn diện CLIL tạo ra môi trường để học sinh được trải nghiệm tiếng Anh bằng cả 5 giác quan, hình thành phản xạ linh hoạt và phát triển tư duy toàn diện.
- Phát triển tư duy “mở”: Việc tiếp xúc với văn hóa của nhiều quốc gia khác nhau giúp học sinh mở rộng cách nhìn nhận một vấn đề bằng nhiều hướng suy nghĩ khác nhau. Từ đó hình thành phản xạ “tư duy mở”.
- Phát triển tư duy logic, phản biện: Việc lồng ghép các trò chơi trí tuệ, các tình huống, toán vui, vấn đề trong cuộc sống vào bài học giúp học sinh hình thành tư duy logic. Đồng thời phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề hiệu quả.
- Phát triển tư duy sáng tạo: Học tiếng Anh thông qua các hoạt động nghệ thuật, diễn kịch,... thúc đẩy khả năng sáng tạo và trí tưởng tượng của học sinh.
- Phát triển kỹ năng mềm: Các hoạt động nhóm, thuyết trình,... giúp học sinh tự tin nói trước đám đông, rèn luyện kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm.
2.2. Nâng cao vốn hiểu biết
2.2.1. Học tiếng Anh không chỉ là học ngôn ngữ, mà còn là học về văn hoá, lịch sử, địa lý,… Ngoài chú trọng vào phát âm, từ vựng, cấu trúc, việc lồng ghép những kiến thức xã hội sẽ giúp cho vốn hiểu biết của HS thêm phong phú hơn, về đất nước, con người,… Dần dần với những tự tiếp xúc ấy, các em sẽ mở rộng cách nhìn nhận mọi thứ theo nhiều cách khác nhau.
2.2.2. Cởi mở, tự tin hơn Khi được tiếp xúc với những nền văn hoá quốc tế, HS sẽ có cơ hội mở rộng thế giới quan của bản thân, và có thể dễ dàng hoà nhập trong những môi trường mới. Khi đó, khả năng tiếp thu ngôn ngữ của HS tăng lên, HS sẽ cảm thấy yêu thích và tự tin hơn khi sử dụng tiếng Anh trong bất cứ hoàn cảnh nào.
2.2.3. Nâng cao khả năng phản xạ ngôn ngữ Được tiếp thu kiến thức của các môn học bằng tiếng Anh sẽ giúp các em phản xạ nhanh và tự nhiên hơn khi cần trao đổi vấn đề mà không cần phải dịch sang tiếng mẹ đẻ. Việc được lặp đi lặp lại phương pháp học này sẽ giúp HS quen dần và nâng cao hơn khả năng ngôn ngữ của bản thân.
2.2.4. Học tiếng Anh hiệu quả qua các hoạt động tổng kết bài học Một hoạt động để tổng kết bài học sẽ giúp học sinh sử dụng những điều vừa học được nhằm tạo ra những sản phẩm độc đáo liên quan đến nội dung bài học. Hoạt động này cần có tính phối hợp, tính sáng tạo và tính giao tiếp. Bên cạnh đó, cần tạo cơ hội cho học sinh trình bày sản phẩm của mình với cả lớp, rèn luyện kỹ năng nói trước đám đông.
3. Khung 4Cs trong CLIL: Mục tiêu hướng đến trong dạy học ứng dụng phương pháp CLIL là mục tiêu kép, tức là vừa đảm bảo mục tiêu của môn học, vừa đảm bảo mục tiêu ngôn ngữ chính vì vậy, hai yếu tố ngôn ngữ và học thuật luôn đan xen nhau. Dựa vào khung 4Cs này, kế hoạch dạy học được thiết kế vừa có thể đảm bảo sự cân bằng giữa hai yếu tố nói trên, vừa góp phần tạo nên một tiết học CLIL hiệu quả. Đây được xem là khung tiêu chí căn bản để xây dựng và lập kế hoạch dạy học theo mô hình CLIL. Nền tảng của định hướng giáo dục tích hợp nội dung và ngôn ngữ.
Trong khung 4Cs, 4 chữ C đại diện cho 4 thành phần của định hướng tích hợp nội dung và ngôn ngữ: Content: Nội dung ở đây là đề tài, chủ đề của môn học, những kiến thức, kĩ năng mà học sinh cần đạt được. Nội dung cần có sự liên kết với đời sống. Học sinh cần được học các vấn đề thực tiễn và được củng cố kiến thức qua lý thuyết, chứ không nên học lý thuyết đơn thuần. Communication: Giao tiếp hỗ trợ, củng cố việc học ngoại ngữ, tuy nhiên cần xác định rõ rằng ngoại ngữ là công cụ của giao tiếp. Định hướng tích hợp nội dung và ngôn ngữ đặt trọng tâm ở người học, vì vậy các hoạt động một chiều của giáo viên bị giảm tối đa, thay vào đó là các hoạt động tương tác giữa học sinh - học sinh, học sinh - nhóm, nhóm - nhóm. Cognition: Nhận thức trong định hướng tích hợp nội dung và ngôn ngữ không đơn thuần là truyền tải thông tin từ giáo viên đến học sinh hay kiến thức cần ghi nhớ. Định hướng tích hợp nội dung và ngôn ngữ đòi hỏi các kĩ năng tư duy cấp độ cao, khuyến 3 khích người học hiểu và tiếp nhận tri thức theo cách riêng. Culture: Văn hóa có vai trò quan trọng trong định hướng tích hợp nội dung và ngôn ngữ. Học sinh không chỉ được mở rộng kiến thức về văn hóa các nước mà còn được học cách lựa chọn ngôn ngữ phù hợp trong các tình huống có bối cảnh văn hóa khác nhau.
4. Thiết kế kế hoạch dạy học định hướng tích hợp nội dung và ngôn ngữ.
- Bước 1: Chọn chủ đề: Xác định chủ đề chính cho bài học CLIL. Chủ đề này nên liên quan đến nội dung chuyên môn và ngôn ngữ mà giáo viên muốn giảng dạy.
- Bước 2: Xác định mục tiêu học tập.: Xác định mục tiêu học tập cụ thể cho bài học. Mục tiêu này nên bao gồm cả khía cạnh chuyên môn và khía cạnh ngôn ngữ và các kỹ năng khác theo khung 4Cs mà học sinh sẽ đạt được sau bài học.
- Bước 3: Tìm kiếm tài liệu: Tìm kiếm và thu thập tài liệu liên quan đến chủ đề của bài học. Tài liệu này có thể bao gồm sách giáo trình, bài báo, video, hình ảnh, biểu đồ, và tài liệu tham khảo khác. Đảm bảo rằng tài liệu được sử dụng có độ khó và phù hợp với trình độ học sinh.
- Bước 4: Thiết kế hoạt động học tập: Dựa vào mục tiêu học tập, giáo viên thiết kế các hoạt động học tập phù hợp. Hoạt động này có thể bao gồm đọc hiểu, thảo luận nhóm, thực hành giao tiếp, viết bài, thực hành thí nghiệm hoặc trò chơi học tập.
- Bước 5: Tích hợp ngôn ngữ và nội dung: Đảm bảo rằng ngôn ngữ được tích hợp một cách tự nhiên và chặt chẽ vào nội dung chuyên môn. Giáo viên có thể sử dụng các hoạt động như phân tích từ vựng, tóm tắt bài viết, thảo luận chuyên môn và viết bài làm cho sự kết hợp giữa ngôn ngữ và nội dung trở nên hiệu quả.
- Bước 6: Đánh giá kết quả học tập của học sinh: Xác định cách đánh giá sự tiến bộ và kết quả học sinh đạt được sau bài học. Điều này có thể bao gồm kiểm tra, bài tập, thảo luận, hoặc các hoạt động đánh giá khác.
- Bước 7: Đánh giá và điều chỉnh: Đánh giá kết quả bài học và điều chỉnh phương pháp giảng dạy cho các bài học sau. Quá trình chuẩn bị một bài dạy CLIL yêu cầu sự kỹ lưỡng và xem xét cả khía cạnh chuyên môn và ngôn ngữ. Bằng cách tuân thủ các bước trên, giáo viên sẽ có một kế hoạch học tập chất lượng và hỗ trợ học sinh trong việc tiếp cận nội dung chuyên môn bằng ngôn ngữ mục tiêu.
5. Thực trạng tại THPT Ngô Quyền Sách giáo khoa Tiếng Anh 10 - Global Success.
Đây là năm học thứ hai nhóm giáo viên tiếng Anh tại trường THPT Ngô Quyền giảng dạy bộ sách giáo khoa mới Global Success của NXB Giáo dục Việt Nam, khi nghiên cứu về chương trình học chúng tôi thấy rõ điểm khác biệt ở những tiết học mà người dạy cần chú trọng áp dụng phương pháp CLIL trong tiết học Communication and Culture/CLIL với mục tiêu tích hợp cụ thể các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, lịch sử, địa lý… vào giờ dạy: 6 - SGK tiếng Anh 10 có các bài mà ở tiết Communication and Culture/CLIL, tác giả viết sách có ghi rõ là tiết học CLIL, đó là các bài: 2, 5, 6, 9, 10. - SGK tiếng Anh 11 có các bài: 1, 5, 9, 10.
Nhóm tiếng Anh đã có những buổi sinh hoạt chuyên môn cùng nhau nghiên cứu, tìm kiếm tài liệu bổ sung, xây dựng kế hoạch bài giảng và áp dụng vào giảng dạy tại các lớp. Việc áp dụng cũng tùy theo trình độ và đặc thù của từng lớp học, các thầy cô sẽ linh hoạt để điều chỉnh kế hoạch bài dạy cho phù hợp.
Kết quả: Qua quá trình giảng dạy áp dụng phương pháp CLIL tại trường THPT Ngô Quyền chúng tôi nhận thấy việc thực hiện phương pháp CLIL đòi hỏi sự đầu tư và chuẩn bị từ phía giáo viên rất nhiều. Tuy nhiên sau thời gian giảng dạy chúng tôi thấy cả giáo viên và học sinh đều rất quan tâm, yêu thích và đánh giá cao hiệu quả của bài học tích hợp nội dung và ngôn ngữ; khả năng vận dụng ngôn ngữ tiếng Anh của các em ngày càng cải thiện trong nhiều lĩnh vực mang tính thực tế cao; nhiều em tự tin giao tiếp với người bản xứ. Cũng qua quá trình thực hiện, chúng tôi nhận thấy việc áp dụng phương pháp này trong trường học đang đối mặt với một số khó khăn nhất định.
Khó khăn:
- Việc tìm kiếm và tạo ra nguyên liệu giảng dạy thích hợp là một thách thức đối với giáo viên. - Việc chuẩn bị giáo án mất nhiều thời gian cũng là những khó khăn mà giáo viên đang đối mặt.
- Năng lực ngôn ngữ của học sinh chưa đồng đều cũng là sự trở ngại để giảng dạy và học tập bài học CLIL.
Giải pháp:
- Tăng cường ứng dụng công nghệ: Giáo viên sử dụng công nghệ trong việc giảng dạy để tăng cường trải nghiệm học tập của học sinh và thúc đẩy việc tiếp cận thông tin đa dạng. Hơn nữa, giáo viên có thể sử dụng phần mềm giáo dục và ứng dụng di động để cung cấp tài liệu và tài nguyên học tập phong phú.
- Thường xuyên trao đổi cùng tháo gỡ những vướng mắc trong các buổi sinh hoạt chuyên môn - Khuyến khích học sinh học tập thông qua các hoạt động ngoại khóa và dự án nhằm thúc đẩy học sinh phát triển kỹ năng tự học.
Có thể khẳng định, Hội thảo chuyên đề này của Trường THPT Ngô Quyền có sự đổi mới về phương pháp thực hiện, đi sâu vào yêu cầu tích hợp kiến thức với ngôn ngữ trong môn học Tiếng Anh. Chuyên đề góp phần định hướng cho giáo viên và học sinh cách dạy, cách học môn Tiếng Anh trong trường THPT phù hợp với mục tiêu của Chương trình GDPT 2018, giúp cho chất lượng dạy và học Tiếng Anh trong các trường THPT trên địa bàn thành phố ngày càng được nâng lên.