Thực hiện Công văn số 2766/SGDĐT-GDTrH, ngày 31 tháng 8 năm
2022 của Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hải Phòng về việc hướng dẫn thực hiện
nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2022-2023; được sự chỉ đạo và hướng dẫn của
Sở GDĐT, ngày 27/4/2023, trường THPT Lương Thế Vinh đã tổ chức thực hiện Chuyên
đề cấp thành phố: “Tổ chức tiết thực hành chủ đề Lịch sử trong Nội dung giáo dục
địa phương Hải Phòng lớp 10 theo Chương trình GDPT 2018” năm học 2022 – 2023. Cô
giáo Nguyễn Thị Yến (giáo viên môn Lịch sử) và các em học sinh lớp 10A1 đã thực
hiện thành công tiết dạy minh họa trong Chuyên đề với sự ghi nhận, đánh giá cao
của lãnh đạo Sở GDĐT, cán bộ, giáo viên bộ môn của các trường THPT trên địa bàn
thành phố.
Các đồng chí lãnh đạo Sở GDĐT, các đại biểu và các thầy, cô giáo về dự Chuyên đề
Năm học 2022-2023 là năm học đầu tiên thực hiện chương
trình GDPT 2018 đối với lớp 10 cấp THPT. Trong Chương trình GDPT 2018, Nội dung giáo dục địa phương ở cấp THPT
có vị trí tương đương các môn học khác. Nội dung giáo dục địa phương bổ sung
cho nội dung giáo dục bắt buộc chung thống nhất trong cả nước nhằm trang bị cho
học sinh (HS) những hiểu biết về nơi sinh sống, bồi dưỡng cho HS tình yêu quê
hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần giải quyết những
vấn đề của quê hương.
Ông Đỗ Văn Lợi - Phó Giám đốc Sở GDĐT phát biểu chỉ đạo tại Chuyên đề
Ngay từ
đầu năm học, trường THPT Lương Thế Vinh đã xây dựng Kế hoạch dạy học Nội dung giáo dục địa phương thành phố Hải
Phòng lớp 10 theo từng chủ đề phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học của nhà trường.
Trong đó, nhà trường đã xây dựng tiết thực hành đối với 3 chủ đề Lịch sử
trong Tài liệu giáo dục địa phương thành phố Hải Phòng lớp 10 nhằm thực hiện các
mục tiêu sau:
Thứ nhất là thực nghiệm một hình thức tổ chức
tiết thực hành chủ đề Lịch sử trong Nội dung giáo dục địa phương với không gian
tổ chức là trong trường học, lớp học.
Thứ hai là củng cố, khắc sâu kiến thức theo yêu cầu cần đạt
của 3 chủ đề: Chủ đề 1: Một số công trình kiến
trúc thời phong kiến ở Hải
Phòng; Chủ đề 2: Trạng nguyên của vùng đất Hải
Phòng thời phong kiến; Chủ
đề 3: Một số di tích lịch sử quốc gia và di
tích quốc gia đặc biệt ở Hải Phòng.
Thứ ba là bồi dưỡng cho các em HS lòng yêu nước, niềm
tự hào về lịch sử truyền thống của quê hương; ý thức được trách nhiệm của bản
thân trong việc giữ gìn, phát huy và quảng bá về những nét đẹp lịch sử - văn
hóa của Hải Phòng.
Thứ tư là phát triển một số năng lực cho các em HS như
năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo, năng lực Tin học, năng lực Lịch sử.
Thứ
năm là thực hiện việc kiểm tra, đánh giá định kì thông qua bài thực hành, sản
phẩm học tập của HS trong tiết thực hành.
Thứ sáu là thông qua việc tổ chức hoạt động thực hành, học sinh có thể
khám phá thêm về khả năng và sở thích của bản thân để có thể có những định hướng
lựa chọn nghề nghiệp đúng đắn, phù hợp trong tương lai theo đúng mục tiêu của Chương
trình GDPT 2018 đã đề ra.
Tiết thực hành do cô giáo Nguyễn Thị Yến
tổ chức có hai hoạt động chính. Hoạt động thứ nhất là báo cáo sản phẩm học tập
của cả lớp – thiết kế sản phẩm giới thiệu về một số công trình kiến trúc thời
phong kiến và một số di tích lịch sử quốc gia ở Hải Phòng. Giáo viên đã giao
nhiệm vụ cho học sinh từ trước đó 3 tuần. Các em học sinh lớp 10A1 đã thiết kế
một bản đồ số bằng phần mềm Thinglink, giới thiệu về một số di tích tiêu biểu như
Tháp Tường Long, Đình Kiền Bái, Đền Nghè, Đình Hàng Kênh, Văn
Miếu Xuân La, Bến K15, Đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh
Khiêm và Khu di tích Bạch Đằng Giang.
Học sinh báo cáo sản phẩm Bản đồ số
Hoạt động
thứ hai là thực hành thiết kế sản phẩm theo nhóm nhằm giới thiệu về Trạng nguyên
của vùng đất Hải Phòng thời phong kiến. Giáo viên chia nhóm HS theo sở thích định
hướng nghề nghiệp: nhóm MC, nhóm IT và nhóm nhà báo. Các nhóm được cô giáo cung
cấp dữ liệu (bản in, file word, file ảnh) về 3 vị Trạng nguyên của vùng đất Hải
Phòng. Dữ liệu không ghi rõ thông tin thuộc về Trạng nguyên nào. Học sinh thực
hiện nhiệm vụ đọc dữ liệu, chọn lọc thông tin đúng về vị Trạng nguyên thuộc nhiệm
vụ tìm hiểu của nhóm, sắp xếp thông tin thành sản phẩm hoàn chỉnh phù hợp với sự
lựa chọn nghề nghiệp của nhóm. Học sinh tích cực, chủ động, sáng tạo với nhiệm
vụ được phân công. Sau 12 phút hoạt động nhóm, sản phẩm của mỗi nhóm mang một màu
sắc riêng, phù hợp với năng lực, sở trường của các em.
Học sinh hoạt động nhóm
Sản phẩm học tập dưới hình thức báo giấy
Sản phẩm học tập theo hình thức chương trình Chuyển động 24h phiên bản THPT Lương Thế Vinh
Sản phẩm học tập dưới hình thức fanpage
Ở cả hai hoạt động đều có các tiêu chí
đánh giá sản phẩm học tập cụ thể, học sinh thực hiện việc tự đánh giá, nhận xét
và nhận xét chéo lẫn nhau, giáo viên thực hiện việc nhận xét, đánh giá học sinh.
Từ đó, cô giáo tổng hợp điểm để đánh giá mức độ Đạt đối với bài kiểm tra đánh
giá cuối kì của lớp 10A1 và khen thưởng nhóm HS đạt điểm cao nhất.
Có thể nói rằng, Chuyên đề cấp thành phố
của trường THPT Lương Thế Vinh là một hoạt động chuyên môn có sức lan tỏa về
tinh thần đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá tới các thầy, cô
giáo giảng dạy môn Lịch sử nói riêng, các thầy, cô giáo giảng dạy Nội dung giáo
dục địa phương Hải Phòng nói chung.