Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo, chuyên viên các phòng chuyên môn, nghiệp vụ của Sở GDĐT; trưởng phòng GDĐT các quận, huyện; cán bộ quản lý các trường THPT, trường PT nhiều cấp có cấp THPT, trung tâm GDTX thành phố, trung tâm GDNN-GDTX các quận, huyện.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Đỗ Văn Lợi khẳng định năm học 2021-2022, ngành giáo dục đào tạo Hải Phòng đã tích cực thực hiện và đạt được những thành quả bước đầu trong việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 ở cấp trung học cơ sở. Năm học 2022-2023, ngành tiếp tục tập trung mọi giải pháp, nguồn lực để triển khai hiệu quả chương trình GDPT 2018 ở cấp THPT. Theo chương trình GDPT 2018, cấp THPT là giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp. So với chương trình hiện hành, chương trình mới có nhiều đổi mới về mục tiêu, nội dung, môn học, thời lượng, phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá… Điều đó đòi hỏi các nhà trường phải nghiên cứu kĩ chương trình đồng thời phải phát huy sự chủ động, linh hoạt và quyết liệt trong triển khai chương trình GDPT 2018.
Tại Hội nghị, đồng chí Phạm Thị Thu Hà - trưởng phòng Giáo dục Trung học trình bày báo cáo “Các vấn đề trọng tâm triển khai chương trình GDPT 2018 cấp THPT”. Dựa trên việc phân tích, đối chiếu thời lượng các môn học trong chương trình hiện hành và chương trình GDPT 2018, đồng chí trưởng phòng nhấn mạnh không có tình trạng thiếu giáo viên tại các nhà trường, trừ giáo viên dạy môn Nghệ thuật (môn học lần đầu triển khai tại cấp THPT). Bên cạnh đó, qua báo cáo, nhiều vấn đề được làm rõ: xây dựng tổ hợp môn học lựa chọn, xây dựng các cụm chuyên đề học tập lựa chọn, xây dựng các phương án cho các môn học có nội dung lựa chọn (Công nghệ, Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Mĩ thuật); phân công giáo viên dạy Nội dung giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiêm, hướng nghiệp; tổ chức kiểm tra đánh giá theo quy định của Bộ giáo dục và đào tạo.
Ảnh: Đồng chí Phạm Thị Thu Hà – trưởng phòng Giáo dục Trung học
hướng dẫn thực hiện chương trình GDPT 2018
Phần thảo luận của các đại biểu tham dự Hội nghị ghi nhận nhiều ý kiến phát biểu nêu lên những băn khoăn, vướng mắc của các đơn vị trong quá trình triển khai chương trình GDPT 2018. Lãnh đạo Sở GDĐT đã lắng nghe và có những hướng dẫn kịp thời nhằm định hướng, hỗ trợ các nhà trường. Liên quan đến vấn đề được nhiều đơn vị quan tâm nhất tại Hội nghị, đồng chí Phạm Thị Thu Hà khẳng định việc xây dựng các tổ hợp môn học lựa chọn phải dựa trên điều kiện thực tiễn về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, kết hợp giữa nhu cầu của học sinh và định hướng của nhà trường. Các trường THPT cần chủ động phối hợp với các phòng GDĐT, các trường THCS tổ chức khảo sát để nắm bắt bắt nhu cầu học tập các môn lựa chọn và định hướng nghề nghiệp của học sinh lớp 9 trên địa bàn.
Ảnh: Các đại biểu phát biểu thảo luận tại Hội nghị
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, đồng chí Đỗ Văn Lợi chỉ đạo các đơn vị tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp để chuẩn bị sẵn sàng cho việc thực hiện chương trình GDPT 2018 trong năm học 2022-2023. Đó là: phát huy tính chủ động, linh hoạt trên cơ sở nghiên cứu kĩ các văn bản chỉ đạo của Bộ GDĐT và Sở GDĐT; luôn bám sát mục tiêu giáo dục phát triển năng lực của học sinh; rà soát điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ giáo viên để xây dựng kế hoạch phù hợp; chú trọng việc bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu của chương trình; tập huấn cho giáo viên nội dung trong thông tư 22/2021/TT-BGDĐT về đánh giá học sinh THCS, THPT,... Đồng chí Phó giám đốc Sở GDĐT nhấn mạnh việc các đơn vị cần làm tốt công tác thông tin truyền thông để học sinh, cha mẹ học sinh hiểu rõ quy định về chương trình giáo dục trong giai đoạn định hướng nghề nghiệp ở cấp THPT. Các trường THPT công khai các tổ hợp môn học lựa chọn trong phương án tuyển sinh và tăng cường công tác tư vấn hướng nghiệp giúp học sinh lựa chọn môn học, chuyên đề học tập, nội dung học tập phù hợp.
Hội nghị “Hướng dẫn thực hiện chương trình Giáo dục trung học năm học 2022-2023” do Sở GDĐT tổ chức đã cho thấy quyết tâm, nỗ lực của toàn ngành trong triển khai thực hiện chương trình GDPT 2018 - một trong những khâu quan trọng nhất của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.