Ông Bùi Văn Kiệm, Giám đốc Sở GD&ĐT phát biểu chủ trì tại điểm cầu Trung tâm Sở Giáo dục và Đào tạo.
Hội thảo được tổ chức trực tuyến tới điểm cầu 14 quận, huyện và các Trường THPT, Trường PT nhiều cấp học trên địa bàn thành phố và các đơn vị trực thuộc dưới sự chủ trì của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố - Bùi Văn Kiệm.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố nhấn mạnh, thời gian qua công tác xây dựng và bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường luôn được Đảng và thành phố quan tâm chỉ đạo. Tuy nhiên, tình trạng bạo lực học đường hiện vẫn xảy ra ở một số địa phương, cơ sở giáo dục, một số vụ bạo lực học đường nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần học sinh, môi trường giáo dục và gây lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cũng thẳng thắn nhìn nhận, Hội thảo được tổ chức tại thời điểm này là hơi muộn và chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn trong các trường học hiện nay, đặc biệt việc triển khai công tác phòng chống bạo lực học đường, xâm hại trẻ em của ngành Giáo dục thành phố trong thời gian vừa qua mới chỉ dừng lại ở việc ban hành các văn bản theo chỉ đạo, việc tuyên truyền thông qua các buổi sinh hoạt, chào cờ, chưa thực sự được quan tâm đúng mức…
Nhằm tạo chuyển biến tích cực, toàn diện trong hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên, nhi đồng và phòng chống vấn nạn bạo lực học đường trên địa bàn thành phố. Tại Hội thảo này, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố đề nghị toàn ngành cùng thảo luận và có những biện pháp căn cơ triệt để hơn để ngăn ngừa tình trạng bạo lực học đường.
“Các đơn vị, cơ sở giáo dục cần xốc lại nhận thức, quan điểm, hiện nay nhiều nhà trường vẫn còn sao nhãng và chưa thực sự chú trọng đến công tác này. Việc giáo dục trong nhà trường vẫn còn mang tính hàn lâm, nặng về những phần kiến thức văn hóa, ít có tính ứng dụng và chưa chú trọng việc giáo dục nhân cách cho học sinh”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo – Bùi Văn Kiệm, nhấn mạnh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Hội thảo cũng đặt ra việc cần nâng cao vai trò và trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm trong việc thường xuyên quan tâm, nắm bắt tình hình sức khỏe, tư tưởng, đạo đức của học sinh. (Ảnh minh họa)
Thực tế những năm gần đây, trên địa bàn thành phố xảy ra nhiều vụ bạo lực học đường từ đơn giản đến nghiêm trọng, đây là vấn đề nhức nhối đi với những hậu quả khó lường. Việc xử lý các vụ việc bạo lực học đường tại các cơ sở giáo dục đã hướng đến giáo dục đạo đức cho học sinh, quan tâm các em học sinh cá biệt, học sinh yếu thế để có biện pháp giúp đỡ, bảo vệ phù hợp; chủ động thiết lập các kênh thông tin về bạo lực học đường (hộp thư góp ý, đường dây nóng, hệ thống camera giám sát,…) để tiếp nhận, xử lý kịp thời các thông tin; xây dựng các chuyên đề về giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, phòng chống xâm hại, bạo lực học đường lồng ghép trong các hoạt động giáo dục, hoạt động Đoàn, Đội…
Tại Hội thảo, đại diện các Ban, ngành chức năng, các cơ sở giáo dục của thành phố thảo luận và đưa ra một số vấn đề liên quan đến: công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong các cơ sở giáo dục, công tác phòng chống bạo lực học đường, việc giáo dục học sinh sử dụng mạng xã hội an toàn hiệu quả, giáo dục đạo đức lối sống… Qua đó tạo sự chuyển biển, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, phụ huynh về mối nguy hiểm và hậu quả của bạo lực học đường. Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa nhà trường, gia đình và địa phương trong quản lý, giáo dục học sinh đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh và thân thiện.