Hội nghị được tổ chức trực tuyến từ điểm cầu trung tâm Sở GD&ĐT đến 238 điểm cầu tại các cơ sở giáo dục các quận, huyện; các trường THPT, Trung tâm GDTX toàn thành phố.
Tại TP Hải Phòng, dịch bệnh còn phức tạp, việc phụ huynh lo lắng về an toàn cho con em mình là dễ hiểu. Tuy nhiên, thực tế, dù học sinh không đi học, người lớn vẫn phải đi làm bởi các hoạt động xã hội đã được khôi phục theo trạng thái bình thường mới. Vì vậy, các em ở nhà vẫn có nguy cơ lây nhiễm.
Theo quan điểm của ngành Giáo dục TP, hiện tại, không có phương án nào tuyệt đối đáp ứng tất cả các yêu cầu đặt ra. Giữa các phương án hiện có Sở GD&ĐT chọn phương án tối ưu để khi đến trường, học sinh vừa được đảm bảo chất lượng dạy và học tốt nhất, vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Trên tinh thần đó, Sở GD&ĐT TP đã chủ trì cùng Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Y tế Hải Phòng tổ chức Tập huấn công tác y tế trường học, phòng chống dịch Covid-19 và hỗ trợ tâm lý cho học sinh khi trở lại trường học trực tiếp.
Đại diện Sở Y tế Hải Phòng đã cung cấp cho các nhà trường văn bản hướng dẫn, các kiến thức cần thiết về phòng chống dịch bệnh trong nhà trường. Các trường tuân thủ quy định phòng dịch: đón và giao học sinh tại cổng trường, mở cửa lớp học thông thoáng, hạn chế tiếp xúc, hướng dẫn học sinh vệ sinh cá nhân, tuân thủ quy định 5K; trường hợp học sinh có biểu hiện sốt, ho, khó thở...cần cách ly ngay tại phòng y tế để theo dõi; khi xuất hiện F0 trong trường học, các nhà trường bình tĩnh xử trí, tham vấn ý kiến của y tế địa phương và khoanh vùng xác định F1 theo hướng dẫn cụ thể...
Tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Tuấn Anh, Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố đã cung cấp cho cán bộ, giáo viên trong ngành Giáo dục những quy định mới về quyền trẻ em; cách bảo vệ an toàn cho trẻ em trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Học sinh quay lại trường sau thời gian dài nghỉ và học online do dịch bệnh sẽ có những diễn biến tâm lý khác so với các kỳ nghỉ trong năm học. Cùng với những biểu hiện tâm lý lo âu vì dịch bệnh, học trò còn có xu hướng nghịch hơn, dễ phá vỡ nội quy lớp học, ham chơi, ngại học.
Vì thế, để đón học sinh đi học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục, Sở GD&ĐT yêu cầu các nhà trường cần phải quan tâm hỗ trợ tư vấn về tâm lý tinh thần cho học sinh.
Dựa trên đặc điểm tâm lý lứa tuổi, Phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT nêu các vấn đề phát sinh và nguy cơ có thể xảy ra khi học sinh trở lại trường học trực tiếp. Đồng thời hướng dẫn các đơn vị giáo dục công tác chuẩn bị đón học sinh trở lại trường đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
Theo đó, Sở GD&ĐT nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng phải làm lúc này là mở cửa trường học với sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với cơ quan y tế và chính quyền địa phương cùng các lực lượng xã hội khác.
Các nhà trường chuẩn bị cơ sở vật chật, vệ sinh trường lớp, xây dựng phương án, kịch bản xử trí tình huống phát sinh theo hướng dẫn của ngành Y tế. Tích cực tuyên truyền với phụ huynh học sinh để tạo sự đồng thuận và an tâm khi con đến trường.
Hội nghị đã giải đáp ý kiến băn khoăn của một số trường về xác xác định F1, xử trí tình huống xuất hiện F0 trong khi nhà trường không có nhân viên y tế.
Ông Phạm Quốc Hiệu- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT nhấn mạnh, việc mở của trường học là vấn đề tất yếu song song với sự phát triển kinh tế, xã hội. Vấn đề quan trọng là các nhà trường làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh. Song hành với việc dạy kiến thức mới phải dành thời gian ôn luyện kiến thức đã học trực tuyến cho học sinh, tích cực tuyên truyền tới phụ huynh học sinh để họ yên tâm cho con tới trường. Các nhà trường bố trí phòng cách ly nếu có F0 và rà roát lại các thiết bị y tế, tủ thuốc, phòng y tế trường học chu đáo.
Khi có F0 tại trường bình tĩnh kết hợp với y tế địa phương xử lý và khoanh vùng F1 theo đúng hướng dẫn.
Với những học sinh F0 điều trị tại nhà đảm bảo sức khoẻ thì phải tổ chức cho các em theo học trực tuyến cùng thầy cô và các bạn trên lớp. Thực tế mô hình này đã được triển khai ở nhiều trường học có hiệu quả.