Sáng 31-10, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2019-2020 và giai đoạn 2016-2020, triển khai nhiệm vụ năm học 2020-2021 và những năm tiếp theo. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự hội nghị; cùng dự có đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Dự tại điểm cầu thành phố Hải Phòng có Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam và đại diện lãnh đạo các Sở, ngành liên quan.
Điểm cầu Hải Phòng tại Hội nghị toàn quốc tổng kết năm học 2019-2020, triển khai nhiệm vụ năm học 2020-2021 và những năm tiếp theo
Năm học 2019-2020 có ý nghĩa rất quan trọng đối với ngành Giáo dục, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, cũng là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Năm học diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; tình hình kinh tế - xã hội trong nước gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19; với thuận lợi và nhiều khó khăn, thách thức đan xen, tác động mạnh mẽ đến hoạt động của ngành Giáo dục.
Năm học này, ngành Giáo dục tập trung triển khai thực hiện Kết luận số 51-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; tập trung triển khai Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới để sẵn sàng áp dụng từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1; triển khai nghị quyết của Chính phủ về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Trong năm học vừa qua và giai đoạn 2016-2020, toàn ngành đã nỗ lực phấn đấu, triển khai thực hiện công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đạt được một số thành tựu quan trọng. Có thể nói đến việc hoàn thiện khung pháp lý cho đổi mới giáo dục, đặc biệt là ban hành 2 luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH, Luật Giáo dục 2019.
Cùng với đó, thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; chất lượng giáo dục phổ thông được quốc tế ghi nhận thông qua chương trình đánh giá PISA, PASEC của quốc tế, thi Olympic khu vực và quốc tế; đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng ngày càng thực chất và hiệu quả.
Giai đoạn qua cũng đánh dấu bước đột phá của giáo dục ĐH trong thực hiện tự chủ, nâng cao chất lượng đào tạo. Chỉ số nghiên cứu khoa học tăng mạnh; số lượng các công trình công bố quốc tế liên tục tăng. Hệ thống giáo dục ngoài công lập phát triển ấn tượng. Giáo dục đồng thời ghi dấu ấn với sự chuyển đổi số mạnh mẽ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học, điển hình là việc dạy học trực tuyến qua internet và trên truyền hình, nhất là trong thời gian giãn cách, cách ly xã hội do dịch Covid-19.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam phát biểu tại điểm cầu Hải Phòng
Phát biểu tại điểm cầu Hải Phòng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam khẳng định, năm học 2019-2020, mặc dù ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, nhưng ngành Giáo dục Hải Phòng vẫn duy trì ổn định và có những kết quả quan trọng. Hải Phòng luôn đứng trong tốp đầu cả nước về chất lượng giáo dục và đào tạo. Chất lượng giáo dục toàn diện được giữ vững, chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục phát triển. Từng bước thực hiện việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy được đẩy mạnh thực hiện ở tất cả các cấp học, ngành học.
Trong hai kỳ thi: tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2020-2021 và tốt nghiệp THPT năm 2020 vừa qua, Hải Phòng đã tổ chức an toàn, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, thực hiện đúng các quy định, Quy chế thi, đã đáp ứng các điều kiện tốt nhất phục công tác tổ chức các kỳ thi đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra, vừa bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối, kịp thời xây dựng các phương án ứng phó với diễn biến của dịch bệnh. Trong quá trình tổ chức kỳ thi đã đạt hiệu quả cao tạo niềm tin và đồng thuận xã hội. Tỷ lệ học sinh được công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở đạt 99,95%, tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 99,82%. Hải Phòng đứng thứ 7 cả nước về điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Công tác thanh tra, kiểm tra và thực hiện công tác hậu thanh tra, kiểm tra giải quyết những tồn tại góp phần làm lành mạnh hóa môi trường giáo dục. Chấn chỉnh và từng bước đưa việc dạy thêm, học thêm, việc thu - chi đi vào nền nếp theo đúng sự chỉ đạo của Bộ GD-ĐT và UBND thành phố.
Xác định chuyển đổi số là con đường đưa giáo dục Hải Phòng chuyển mình từng bước trở thành nền giáo dục 4.0; với sự hỗ trợ của Cục Công nghệ thông tin, Sở Giáo dục và Đào tạo đã đồng loạt triển khai các hoạt động chuyển đổi số mạnh mẽ:
Triển khai thành công Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành cho toàn ngành giáo dục Hải Phòng với tổng số 32.141 giáo viên, 433.425 học sinh đều có mã định danh riêng và gắn bó suốt trong quá trình công tác, học tập. Hệ thống này đã hỗ trợ đắc lực công tác thống kê, báo cáo trong toàn ngành; giúp các cấp quản lý ban hành chính sách quản lý có hiệu quả, đánh giá hiện trạng thừa thiếu giáo viên ở các nhà trường theo từng cấp học, địa phương, môn học từ đó xây dựng lên bức tranh tổng thể toàn ngành giáo dục, xây dựng các Đề án đào tạo bồi dưỡng giáo viên, tăng cường cơ sở vật chất giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030 đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chính phủ điện tử, hướng đến Chính phủ số trong toàn ngành. Trong đó, sử dụng văn bản điện tử, sổ học bạ, sổ điểm điện tử thay thế văn bản, tài liệu giấy; hoạt động chỉ đạo, điều hành, giao dịch, họp, tập huấn được thực hiện chủ yếu trên môi trường mạng.
Thúc đẩy phát triển học liệu số ở tất cả các cấp học, môn học gắn với việc chia sẻ học liệu giữa các nhà trường từ đó hình thành kho học liệu số toàn ngành giáo dục Hải Phòng với trên 3.000 bài giảng chất lượng. Tăng cường khai thác hệ tri thức Việt số hóa - kho học liệu số (Itrithuc) giúp giáo viên tiếp cận hàng ngàn bài giảng và giáo trình điện tử của các nhà giáo giỏi tâm huyết của Quốc gia.
Triển khai hàng loạt giải pháp dạy học trực tuyến với trên 95% học sinh trung học tham gia không chỉ trong giai đoạn giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19 mà còn duy trì triển khai song song học chính khóa.
Triển khai mạng xã hội giáo dục có sự kiểm soát và định hướng thống nhất qua việc phát triển các cộng đồng giáo viên sáng tạo Hải Phòng; cộng đồng học sinh, sinh viên sáng tạo Hải Phòng với sự tham gia của hàng ngàn giáo viên và học sinh Hải Phòng. Qua các cộng đồng trên mạng xã hội này, Sở Giáo dục và Đào tạo đã định hướng dư luận tạo sự đồng thuận về xã hội trong các chính sách, giải pháp về phát triển giáo dục.
Tại hội nghị, các ý kiến phát biểu thống nhất cao với báo cáo, xác định năm học mới 2020-2021 và các năm tiếp theo; toàn ngành tiếp tục thực hiện theo lộ trình 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản đã đề ra, quyết tâm khắc phục và tạo sự chuyển biến căn bản các vấn đề về GD-ĐT mà xã hội quan tâm, dư luận bức xúc.