Ngày 10/9, nhiều trường học tại các quận trung tâm của Hải Phòng đã sẵn sàng đón học sinh đi học. Nhưng không ít trường khu vực ngoại thành, đặc biệt quận Đồ Sơn, Dương Kinh cần sự vào cuộc khẩn trương, chung tay giúp sức của chính quyền các cấp để học trò sớm vui bước đến trường.
Chủ động khắc phục
Quận Lê Chân có nhiều trường học bị ảnh hưởng, thiệt hại do bão số 3 gây ra. Theo báo cáo của UBND quận: Trường Tiểu học Dư Hàng bị đổ hàng rào; Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ bị đổ trụ cổng; Trường Tiểu học Vĩnh Niệm và THCS Võ Thị Sáu bị tốc mái; nhiều trường bị tốc mái nhà để xe.
Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ (ảnh sáng 9/9). Thực hiện chỉ đạo của các cấp, phòng GD&ĐT đã yêu cầu các nhà trường tiếp tục rà soát, khẩn trương tổng hợp, báo cáo về phòng về những thiệt hại nếu có. Đồng thời, nhà trường bố trí cán bộ, giáo viên đến trường vệ sinh, dọn dẹp.
Cô Lê Thị Thu Hiền - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ, quận Lê Chân cho biết, do ảnh hưởng của bão số 3, cổng và tường bao của nhà trường bị cây đổ ngang, gây thiệt hại. Trong sân trường nhiều bồn cây, chậu cảnh bị bật rễ; rác lá cây bay nhiều vào sân, hành lang và phòng học. Ngay khi bão tan, tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường đã có mặt để tổng vệ sinh. Công tác khắc phục hậu quả sau bão của nhà trường được sự hỗ trợ tích cực của các đơn vị chức năng.
Giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ vệ sinh trường, lớp. Sáng 9/9, cô giáo Nguyễn Thị Thuỷ, giáo viên chủ nhiệm lớp 3A2, Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ cùng với 41 cán bộ, giáo viên của nhà trường hăng say dọn dẹp trường, lớp. Cô Thuỷ cẩn thận kiểm tra lại các ổ cắm điện, khu vực giá sách của lớp và trang trí lại những giỏ hoa bị xô đẩy do bão.
Cô Phan Thị Thu Hường, giáo viên chủ nhiệm lớp 1A2, Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ chia sẻ, từ ngày 8 đến sáng 9/9, cô lau dọn nhiều lần phòng học của lớp. Vì bão lớn, gió to, nhiều sạn bay khắp lớp, nên từng góc, cạnh đều cần được vệ sinh sạch sẽ, cẩn thận. Sau khi bàn ghế sạch sẽ, cô phun khử khuẩn để vệ sinh lại, tránh muỗi và côn trùng khi học sinh đến lớp.
Hình ảnh Trường THCS Hoàng Diệu, quận Lê Chân sau bão. Cô Trần Thị Kim Xuyến - Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Diệu, quận Lê Chân cho biết, sau khi bão Yagi tan, Ban giám hiệu nhà trường khẩn trương rà soát CSVC và các thiết bị dạy học. Rất may, các phòng học và phòng chức năng không bị ảnh hưởng. Phần mái xe tạm của nhà trường bị cây phía ngoài trường đổ vào và bị sập xệ một khoảng. Trường sẽ cho làm cột chống để đảm bảo an toàn cho học sinh. Trong 2 ngày, 8-9/9, toàn bộ đội ngũ đến trường để dọn vệ sinh trường, lớp. Trưa 9/9, mọi việc đã ổn định và sạch sẽ để bước vào năm học mới.
Hình 1: Hiệu trưởng Trần Thị Kim Xuyến biểu dương tinh thần của tổ bảo vệ.
Sáng 9/9, Ban giám hiệu nhà trường đã kịp thời biểu dương, “thưởng nóng” bác bảo vệ Phạm Văn Long đã có tinh thần trách nhiệm cao trong công tác phòng, chống bão số 3 tại đơn vị, cô Xuyến cho biết thêm.
Cần sự chung tay, góp sức để học trò sớm được đến trường
Là trường học ngoài biển đảo, Trường THPT Cát Hải, huyện Cát Hải bị ảnh hưởng rất nặng nề. Cô Nguyễn Thị Thu Hương- Phó hiệu trưởng phụ trách nhà trường cho hay, trường bị tốc 300m mái tôn khu nhà hiệu bộ; 15 mét tường bao phía cổng trường bị đổ sập; mái tôn nhà để xe và 30 mét tường bao phía sau cũng hư hỏng.
Thầy Phạm Khắc Quân - Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Lý Thánh Tông, quận Đồ Sơn cho hay, trường bị đổ 35m tường bao; toàn bộ mái nhà để xe bị sập; sân trường ngập lụt. Hiện tại Đồ Sơn vẫn chưa có điện và nước, vì thế thầy cô đến trường dọn dẹp nhưng khả năng phải 1-2 hôm nữa mới có thể đón học sinh đến trường.
Đến chiều ngày 9/9, sân Trường Tiểu học và THCS Vạn Hương, quận Đồ Sơn vẫn bị ngập nước chừng 40 cm. Cán bộ, giáo viên nhà trường vẫn lội nước để vào trường dọn dẹp, vệ sinh.
Theo cô Ngô Thị Liên Hương - Hiệu trưởng nhà trường, nhà trường bị tốc mái 2 dãy nhà; phòng máy tính bị ngấm nước phải căng bạt; khu ăn ngủ bán trú của học sinh bị ảnh hưởng trầm trọng. Ngay khi bão tan, nước dâng lên cao so với sân trường 1 mét, nhưng hiện đã rút dần.
Còn tại Trường Tiểu học Bàng La, quận Đồ Sơn, toàn bộ mái tôn và trần khu vực nhà ăn của học sinh bị bay; 150 mét tường bao phía sau cũng đổ rạp; nhà xe giáo viên và học sinh chỉ còn lại những tấm tôn rách nát. Trước hiện trạng đó, cán bộ, giáo viên nhà trường chỉ biết động viên nhau chung sức, đồng lòng dọn dẹp.
Tại quận Dương Kinh, Trường Tiểu học và THCS Tân Thành bị ảnh hưởng nhiều nhất do bão Yagi. Thầy Phan Quang Tuấn - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, sau bão thầy cô tập trung dọn dẹp trường lớp. Nhà ăn bán trú của học sinh khu Tiểu học bị sập mái, nhà trường đã có hướng khắc phục. Nhưng công trình xây dựng còn ngổn ngang vì thế sẽ mất an toàn khi đón trò quay lại trường.
Trường Tiểu học và THCS Tân Thành, quận Dương Kinh. Ông Bùi Văn Kiệm - Giám đốc Sở GD&ĐT đã có ý kiến với lãnh đạo các phòng GD&ĐT để báo cáo chính quyền địa phương, rốt ráo bổ sung lực lượng, tình nguyện viên hỗ trợ các nhà trường khắc phục hậu quả.
Qua kiểm tra thực tế tại một số cơ sở giáo dục chiều 9/9, ông Bùi Văn Kiệm- Giám đốc Sở GD&ĐT TP yêu cầu, các nhà trường chủ động lực lượng, phối hợp với các cơ quan đơn vị, lực lượng tình nguyện dọn dẹp, vệ sinh trường lớp sạch sẽ sau bão số 3. Đồng thời, lãnh đạo trường kiểm tra, rà soát và lập biên bản thống kê CSVC bị hư hỏng. Với những hạng mục nhỏ, nhà trường chủ động sửa chữa theo nguồn chi phù hợp; những CVSC hư hỏng nặng ngoài khả năng của nhà trường thì thống kê báo cáo UBND quận, huyện và Sở GD&ĐT theo đúng thẩm quyền. Tuyệt đối các nhà trường không được tự ý gọi thợ sửa chữa những hạng mục với mức chi vượt thẩm quyền.