Trong những năm qua, các cơ sở giáo dục, nhà trường đều dành nhiều sự quan tâm tới việc quản lý hoạt động sử dụng mạng xã hội trong học sinh, sinh viên. Nhiều học sinh, sinh viên xem các trang MXH là nơi trao đổi kiến thức, kinh nghiệm học tập cũng như nơi cung cấp các thông tin thời sự cấp thiết được liên tục cập nhật, đáp ứng nhu cầu hiểu biết, tìm kiếm tư liệu; là không gian để học viên giao lưu, chia sẻ sở thích, quan điểm sống và bàn luận về các đề tài quan tâm chung.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, MXH và thông tin trên MXH nói chung cũng bộc lộ nhiều tiêu cực. MXH đã và đang trở thành công cụ hàng đầu để thế lực thù địch lợi dụng tiến hành phá hoại tư tưởng trong học sinh, sinh viên. Các thế lực thù địch, phản động đã lập ra và sử dụng nhiều tài khoản MXH vào các hoạt động tuyên truyền phá hoại tư tưởng, tuyên truyền xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, lợi dụng chiêu bài phản biện xã hội, đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, bảo vệ môi trường để chống phá Đảng, Nhà nước, chống phá chế độ. Quỹ thời gian tự học của học sinh, sinh viên giảm đi do dành nhiều thời gian cho các hoạt động trên các trang mạng. MXH còn tiềm ẩn nguy cơ khi những thông tin, nội dung, hình ảnh riêng tư được đưa lên mạng để chia sẻ với người thân, bạn bè... vô tình bị kẻ xấu lợi dụng và sử dụng vào mục đích xấu. Tình trạng nhiễu loạn thông tin, thật giả lẫn lộn trên MXH đang ở mức báo động đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến giới trẻ nói chung, học sinh, sinh viên nói riêng.
Để phòng, chống những tiêu cực từ mạng xã hội đối với học sinh, sinh viên, các cơ sở giáo dục, nhà trường đã ban hành nhiều quy định, quy tắc sử dụng mạng xã hội. Cán bộ, giáo viên và Đoàn Thanh niên các nhà trường thường xuyên tổ chức kiểm tra, hướng dẫn cho học sinh, sinh viên sử dụng MXH một cách hiệu quả, nhắc nhở học sinh, sinh viên về những quy định của nhà trường khi tham gia các trang MXH, yêu cầu học sinh, sinh viên chấp hành nghiêm túc quy định, nội quy của nhà trường. Ngoài ra, tại các nhà trường đều thành lập tổ quản lý, theo dõi việc sử dụng MXH của học sinh, sinh viên nhằm quản lý, hướng dẫn các hoạt động học tập, tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu trên MXH, khuyến khích sử dụng MXH như một công cụ học tập hữu ích.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì việc quản lý sử dụng MXH trong học sinh, sinh viên tại một số nhà trường vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, thiếu sót như: Việc quản lý MXH trong nhà trường hiện vẫn còn thiếu chặt chẽ đã khiến một bộ phận học sinh, sinh viên sao nhãng học tập cũng như tham gia các hoạt động ngoại khóa, tình trạng một số học sinh, sinh viên vi phạm nội quy, quy định của nhà trường về sử dụng MXH vẫn còn tồn tại. Thời gian tới, để phòng, chống tác động tiêu cực từ sử dụng MXH đối với học sinh, sinh viên cần thực hiện tốt một số nội dung giải pháp sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; của ngành Giáo dục và các địa phương. Tuyên truyền, giáo dục tới học sinh, sinh viên về Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng và các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng Internet, MXH và các loại hình truyền thông khác trên Internet, các nội dung về đạo đức, lối sống; văn hóa ứng xử trong trường học; kỹ năng nghề nghiệp, việc làm, khởi nghiệp; phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, bạo lực học đường... qua các hoạt động nhằm tự điều chỉnh hành vi tương tác của cá nhân trên môi trường MXH theo hướng tích cực, hiệu quả.
Thứ hai, phát triển và quản lý các trang thông tin điện tử của các nhà trường về giáo dục chính trị, tư tưởng đối với học sinh, sinh viên trên môi trường MXH. Duy trì cơ chế phối hợp, trao đổi giữa nhà trường và gia đình, giữa nhà trường với các cơ quan, chính quyền địa phương và nhân dân nơi trường đóng chân trên địa bàn để nắm bắt tình hình tư tưởng của học sinh, sinh viên trên môi trường MXH, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, bảo bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin, phòng ngừa, ngăn chặn các website, trang thông tin giả mạo.
Thứ ba, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý học sinh, sinh viên, cán bộ đoàn tâm huyết và giỏi chuyên môn tại nhà trường để quản lý hoạt động sử dụng MXH của học sinh, sinh viên cũng như nắm bắt tình hình tư tưởng của học sinh, sinh viên trên môi trường MXH. Phối hợp đấu tranh, phản bác những thông tin sai trái, xuyên tạc, kích động, thù địch, góp phần bảo vệ chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo vệ uy tín của ngành Giáo dục và nhà trường.
Thứ tư, hoàn thiện quy chế phù hợp để quản lý học sinh, sinh viên nói chung, quản lý hoạt động sử dụng MXH về an ninh thông tin trong học sinh, sinh viên nói riêng. Đồng thời, chủ động xây dựng cơ chế quản lý, giải quyết của nhà trường, phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng xử lý các vi phạm liên quan đến hoạt động MXH của cá nhân.