Trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, cử tri thuộc Đoàn đại biểu tỉnh Lâm Đồng gửi kiến nghị tới Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).
Nội dung kiến nghị là: Cử tri phản ánh việc tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia đồng thời các trường đại học một phần lấy kết quả tốt nghiệp trên để xét vào đại học như hiện nay là không ổn.
Thứ nhất, việc thi tốt nghiệp trung học phổ thông hiện nay với tỷ lệ đạt rất cao, nên việc tổ chức thi liệu có cần thiết nữa hay không?
Thứ hai, việc lấy kết quả điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia để xét tuyển vào đại học thì chưa thật sự đảm bảo chất lượng đầu vào cho bậc học đại học; đặc biệt là các ngành có ý nghĩa quan trọng, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, sức khỏe của người dân và phát triển xã hội lâu dài của đất nước như các ngành an ninh, quốc phòng, giáo dục, y tế, kỹ thuật, nghiên cứu khoa học…
Cử tri đề nghị nghiên cứu bỏ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia, mà giao lại cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức thi hoặc có hình thức xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông cho học sinh lớp 12 của địa phương; việc tuyển sinh đại học của các ngành an ninh, quốc phòng, giáo dục, y tế, kỹ thuật, nghiên cứu khoa học giao cho các trường tự tổ chức thi tuyển; đối với các ngành khác do các trường tự xem xét, quyết định việc tuyển sinh.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn có văn bản trả lời như sau:
- Về việc duy trì Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT):
Tại khoản 3 Điều 34 Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 quy định như sau: "Học sinh học hết chương trình trung học phổ thông đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được dự thi, đạt yêu cầu thì được người đứng đầu cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông".
Như vậy, Luật Giáo dục yêu cầu cần phải thi và đáp ứng chuẩn đầu ra thì sẽ được công nhận tốt nghiệp THPT và tỷ lệ này có thể cao tùy theo chất lượng, mức độ đáp ứng chuẩn đầu ra của học sinh các địa phương, các nhà trường, tương ứng với điều kiện kinh tế xã hội và điều kiện giáo dục của từng vùng miền.
Việc phân hóa này rất có ý nghĩa cho công tác quản lý giáo dục, tạo động lực để chất lượng giáo dục được duy trì ổn định và không ngừng nâng cao (không có điểm dừng của chất lượng giáo dục).
Bộ GD&ĐT đã xây dựng phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2023, năm 2024 theo hướng giữ ổn định như năm 2022; ở giai đoạn từ năm 2025 và các năm tiếp theo, Bộ GD&ĐT nghiên cứu tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025 bảo đảm phù hợp với lộ trình đổi mới đánh giá quá trình học
tập của học sinh THPT theo Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018; đồng thời, tiếp tục nghiên cứu để phân cấp trách nhiệm nhiều hơn nữa cho các địa phương chủ động trong tổ chức thi.
- Về việc tuyển sinh đại học:
Tại khoản 2 Điều 34 Luật Giáo dục đại học ngày 18/6/2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học ngày 19/11/2018 quy định tổ chức tuyển sinh của các cơ sở đào tạo như sau: "a) Phương thức tuyển sinh gồm: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển; b) Cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh".
Như vậy, Luật Giáo dục đại học đã quy định các cơ sở giáo dục đại học được tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh. Quy chế tuyển sinh đại học; tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non ban hành kèm theo Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 của Bộ GD&ĐT (tại điều 12, 13, 14, 15 quy định về tổ chức thi tuyển sinh), Bộ GD&ĐT đã cụ thể hóa quy định của Luật Giáo dục đại học, trong đó cũng chỉ quy định về mặt nguyên tắc để bảo đảm công khai, minh bạch và bình đẳng giữa các cơ sở đào tạo; đồng thời để các cơ sở giáo dục đại học thống nhất thực hiện trong việc thi tuyển sinh và quy định Bộ GD&ĐT chỉ đạo tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy chế.