Thực hiện kế hoạch năm học 2023 - 2024, dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của Sở GD&ĐT, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, Huyện Đoàn Kiến Thụy; chiều ngày 21/01/2024, tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin huyện Kiến Thụy, Trường THCS Thị trấn Núi Đối thực hiện Chuyên đề cấp thành phố với chủ đề: Ca trù - Nét tinh hoa của âm nhạc dân tộc.
Đây là một trong những hoạt động chuyên môn trọng tâm của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kiến Thụy chỉ đạo các trường THCS trên địa bàn huyện, tập trung vào việc định hướng và làm rõ thêm các nội dung trong các môn học mới, giúp cho các nhà trường có thêm chất liệu để chỉ đạo hoạt động chuyên môn, bám sát mục tiêu của Chương trình GDPT 2018.
Tham dự Hội thảo chuyên đề có nhiều đồng chí lãnh đạo, các đại biểu:
Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo có Thạc sĩ Trần Văn Minh - Chuyên viên chính, phụ trách môn Nghệ thuật, Vụ GDTrH, Bộ GDĐT.
Về phía Sở Giáo dục và Đào tạo có ông Bùi Văn Kiệm- Giám đốc Sở, ông Đỗ Văn Lợi - Phó GĐ Sở GDĐT - Tổng chủ biên cuốn Tài liệu GDDP lớp 8; bà Phạm Thị Thu Hà – Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GDĐT, bà Nguyễn Thị Thu Hằng – Phó trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GDĐT đồng Chủ biên; cùng tác giả biên soạn chủ đề 4 - bà Nguyễn Thị Trang Nhung- Chuyên viên, Sở GD&ĐT, bà Nguyễn Thị Kim Oanh - Hiệu trưởng Trường THCS Hùng Vương - Hồng Bàng. Cùng đại diện Ban giám hiệu, giáo viên dạy Nội dung GDĐP của các trường THCS trong huyện. Cùng dự còn có các đại biểu đại diện lãnh đạo, chuyên viên các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các thầy cô giáo dạy Nội dung GDĐP của các trường THCS các quận, huyện.
Hội thảo chuyên đề được thực hiện gồm 02 phần:
Phần 1: Thực hiện 01 tiết dạy minh họa: Tiết 4, chủ đề 4: Tìm hiểu về Ca trù Đông Môn - Thủy Nguyên - Hải Phòng; tích hợp nội dung Âm nhạc với cuộc sống trong Chương trình Âm nhạc lớp 8, Chương trình GDPT 2018.
Ở phần này, thông qua hoạt động tổ chức, cần đạt được các yêu cầu: Nhận biết được vài nét về di sản văn hóa đã học (liên quan đến âm nhạc) được UNECO công nhận; giới thiệu về di sản văn hóa phi vật thể khác (liên quan đến nội dung âm nhạc) được UNECO công nhận.
Tiết dạy sử dụng Phương pháp dạy học theo hướng trải nghiệm, với 10 hình thức hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong chương trình GDPT 2018.Tiết học minh họa do cô giáo Nguyễn Thị Minh Huệ - Giáo viên Âm nhạc thực hiện.
Phần 2: Tổ chức hội thảo
- Giao lưu, trao đổi với Thạc sĩ Trần Văn Minh - Chuyên viên chính, phụ trách môn Nghệ thuật, Vụ GDTrH, Bộ GDĐT; ý kiến chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo, Sở Giáo dục và Đào tạo,Thành Đoàn Hải Phòng.
- Giao lưu, trao đổi với nghệ nhân Ca trù đến từ CLB Ca trù Đông Môn, Hải Phòng,
- Những ý kiến trao đổi từ các đơn vị, các thầy (cô) tham dự chuyên đề, tập trung thảo luận, làm rõ các vấn đề sau:
Thứ nhất: Cách thức xây dựng chủ đề dạy học, xác định yêu cầu cần đạt; việc lựa chọn phương pháp, kỹ thuật, kiểm tra, đánh giá đã phù hợp với yêu cầu cần đạt của chủ đề dạy học ngày hôm nay hay chưa.
Thứ hai: Giải pháp để giữ gìn và phát huy loại hình nghệ thuật biểu diễn Ca trù, phù hợp với sự phát triển ngày càng hiện đại của xã hội, với người trẻ (học sinh, ..).
Có thể khẳng định, Hội thảo chuyên đề này đã làm sâu sắc thêm tầm quan trọng của việc phải bảo tồn, phát huy thể loại âm nhạc tinh hoa Ca trù, thể hình nghệ thuật đã được tổ chức UNESCO của Liên hợp quốc công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể, đại diện của nhân loại, cần được bảo tồn khẩn cấp. Đồng thời, thực hiện Chương trình hành động quốc gia về bảo tồn bản sắc dân tộc đối với di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại. Và một trong những giải pháp bảo tồn quan trọng là đưa phong trào hát dân ca vào trong trường học, phát hiện và bồi dưỡng những nhân tài cho quê hương, đất nước. Quảng bá với bạn bè trong nước và ngoài nước thể loại nghệ thuật đặc sắc Ca trù, gắn liền với phong tục, văn hóa của con người, đất nước Việt Nam.