Do số học sinh tăng cao qua các năm, Trường THPT Nguyễn Trãi còn thiếu nhiều phòng học.
Nhiều trường học quá tải do dân số tăng nhanh
Theo Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi Vương Đình Hường, năm học 2022-2023, nhà trường có 2.150 học sinh ở 48 lớp, tăng 6 lớp (270 học sinh) so với năm học trước. Dự kiến năm học tới, số lớp học tiếp tục tăng. Số lớp liên tục tăng cao trong những năm học vừa qua trong khi đó cơ sở vật chất phòng học không được đầu tư kịp thời, tạo áp lực lớn với thầy trò trong công tác dạy và học, nhà trường phải tận dụng các phòng chức năng phục vụ giảng dạy. Cũng gặp khó khăn tương tự, năm học 2022-2023 Trường THPT An Dương tăng 7 lớp so với năm học trước.
Việc thiếu phòng học không chỉ diễn ra ở các trường THPT, mà còn phổ biến ở tất cả bậc học: mầm non, Tiểu học, THCS. Do thiếu phòng học nên nhiều nhà trường tận dụng cả phòng chức năng, phòng giáo viên để phục vụ giảng dạy. Trường tiểu học An Đồng mặc dù có tới 3 điểm trường, nhưng hiện vẫn thiếu nhiều phòng học. Nhà trường phải tận dụng dãy nhà cấp 4 ngay phía đầu cổng vào dùng làm phòng học cho học sinh.
Theo lãnh đạo các trường học và chính quyền các địa phương, nguyên nhân thiếu phòng học tại các trường là do áp lực tăng dân số cơ học trên địa bàn huyện. Thống kê của UBND huyện An Dương cho thấy, tốc độ tăng quy mô số lớp, số học sinh của huyện đứng đầu thành phố. Cụ thể, năm học 2022-2023 toàn huyện tăng 31 lớp so với năm học trước, trong đó cấp THPT tăng 13 lớp; cấp THCS tăng 14 lớp; cấp tiểu học tăng 4 lớp; bậc học mầm non tăng gần 20 lớp. Theo Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nguyễn Văn Nghĩa, dự kiến năm học 2023-2024, các trường học tiếp tục thiếu phòng học. Trong đó Trường THPT An Dương thiếu 16 phòng học; Trường THPT Nguyễn Trãi thiếu 18 phòng học bộ môn. Đối với bậc mầm non, đến nay còn thiếu 125 phòng học, 80 phòng chức năng. Cấp tiểu học còn thiếu 45 phòng học, 34 phòng bộ môn, 40 phòng chức năng. Cấp THCS còn thiếu 21 phòng học, 29 phòng bộ môn, 31 phòng chức năng.
Tập trung thực hiện các giải pháp
Đồng chí Lương Thế Quý, Phó chủ tịch Thường trực UBND huyện An Dương cho biết, nhằm khắc phục tình trạng thiếu phòng học tại các cấp học, thời gian qua huyện tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, rà soát hiện trạng các trường học còn thiếu về cơ sở vật chất để có lộ trình đầu tư nâng cấp, cải tạo, xây mới bảo đảm đạt chuẩn và đáp ứng nhu cầu gia tăng số lớp học qua các năm. Mặt khác, UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động bố trí quỹ đất bổ sung cho các trường học còn thiếu theo quy định để đạt chuẩn, có diện tích xây mới phòng học, đưa vào quy hoạch xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu. Nhờ vậy, đến nay, 100% các xã, thị trấn cơ bản bố trí đủ quỹ đất cho các trường theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhiều trường học ở các xã: Quốc Tuấn, Hồng Thái, Nam Sơn, Tân Tiến, An Hưng, Đại Bản, Lê Thiện, Hồng Phong, An Hòa…được đầu tư xây dựng các công trình trường học trên quỹ đất mới được quy hoạch, bố trí.
Giải pháp tiếp theo, huyện An Dương tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng trường học. Trong đó, chi cho giáo dục đào tạo trong các năm gần đây đều tăng, chiếm gần 40% ngân sách huyện. Năm học 2022-2023, toàn huyện có 13 dự án xây mới phòng học, phòng chức năng hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng… Ngoài việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công xây dựng, cải tạo các công trình trường học, trong năm 2023, huyện An Dương tiếp tục khai thác các nguồn vốn sự nghiệp, nguồn vốn xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, ưu tiên đầu tư xây mới, cải tạo thêm một số công trình trường học trên địa bàn. Hiện huyện An Dương cũng đang triển khai xây dựng Đề án phát triển mạng lưới trường học trên địa bàn huyện quy mô lớn đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và nhu cầu gia tăng dân số cơ học trên địa bàn. Đồng thời rà soát, bố trí việc sáp nhập trường tại những địa phương phải thực hiện sáp nhập theo Đề án thành lập đơn vị hành chính quận tại huyện An Dương. Bên cạnh đó, huyện cũng có kế hoạch, lộ trình đào tạo, tuyển dụng đội ngũ cán bộ, giáo viên cho các trường học trên địa bàn còn thiếu.
Trước mắt, để bảo đảm đủ các phòng học cho các nhà trường theo kịp tốc độ tăng dân số cơ học tăng cao, ngoài kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào giáo dục và đào tạo ở các cấp học, huyện An Dương đề nghị thành phố xem xét xây dựng mới 1 trường THPT công lập trên địa bàn huyện. Đồng thời quan tâm đầu tư nguồn lực xây dựng dãy nhà lớp học 3 tầng, 18 phòng trường THPT Nguyễn Trãi; đầu tư xây dựng dãy nhà lớp học 4 tầng, 16 phòng trường THPT An Dương./.