Chủ đề Đặc sản ẩm thực Hải Phòng trong Tài liệu Giáo dục địa phương lớp 7 thuộc mạch nội dung Văn hóa lịch sử truyền thống của Giáo dục địa phương. Đặc sản ẩm thực là vấn đề thiết thực, gần gũi với học sinh. Đặc biệt, hiện nay, ẩm thực trở thành một thế mạnh phát triển văn hóa và du lịch của thành phố Hải Phòng nên vấn đề này càng trở nên hấp dẫn và có ý nghĩa. Các thầy cô giáo giảng dạy Nội dung Giáo dục địa phương của trường THCS Đà Nẵng đã tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học và thống nhất sử dụng phương pháp dạy học dự án với chủ đề này. Chủ đề Đặc sản ẩm thực Hải Phòng được bố trí thời lượng 04 tiết. Trong 02 tiết đầu, giáo viên hướng dẫn học sinh tìm hiểu đặc điểm đặc sản ẩm thực Hải Phòng; chuyển giao và hướng dẫn nhiệm vụ dự án học tập. Mỗi nhóm học sinh có nhiệm vụ: lựa chọn tìm hiểu, trải nghiệm một nét đặc sắc của ẩm thực Hải Phòng sau đó ghi lại hành trình cũng như kết quả trải nghiệm bằng các hình thức phù hợp (bài viết, video, vẽ tranh, sáng tác lời bài hát, hoạt cảnh, tiểu phẩm,...).

Cô giáo Phạm Thị Thu Trang và học sinh THCS Đà Nẵng thực hiện tiết dạy tại Chuyên đề
Tại Chuyên đề, cô giáo Phạm Thị Thu Trang cùng các em học sinh lớp 7 trường THCS Đà Nẵng thực hiện 2 tiết báo cáo sản phẩm dự án học tập: tìm hiểu nét đặc sắc của đặc sản ẩm thực Hải Phòng. Ba nhóm học sinh trong lớp lần lượt báo cáo trải nghiệm của các em về Ẩm thực đường phố - Hương vị biển và Gia vị của ẩm thực của Hải Phòng. Qua phần báo cáo trải nghiệm, các em học sinh trường THCS Đà Nẵng không chỉ thể hiện niềm say mê, hứng thú với ẩm thực quê hương mà còn bộc lộ tinh thần thái độ học tập nghiêm túc, tích cực; từng bước phát triển năng lực thiết kế và tổ chức hoạt động. Các em đã chủ động, sáng tạo lựa chọn các hình thức báo cáo sinh động và ứng dụng công nghệ thông tin làm sản phẩm dự án học tập thêm hấp dẫn.
Học sinh báo cáo sản phẩm dự án học tập
Dựa trên phần báo cáo của học sinh, cô giáo Thu Trang tổ chức đánh giá sản phẩm học tập theo các tiêu chí đánh giá đã được thống nhất ở tiết học trước. Không chỉ giáo viên đánh giá sản phẩm học tập của học sinh mà các em tự đánh giá nhóm mình, đồng thời đánh giá đồng đẳng với sản phẩm của nhóm bạn. Với việc áp dụng công nghệ, hoạt động đánh giá được thực hiện thuận lợi và có kết quả điểm số ngay trong tiết học.
Học sinh thực hành gói chả nem
Sau nội dung báo cáo dự án học tập, học sinh được giao nhiệm vụ giải quyết tình huống về việc giới thiệu đặc sản ẩm thực Hải Phòng cho du khách. Học sinh trường THCS Đà Nẵng đã tự tin đóng vai tình nguyện viên quảng bá ẩm thực và sử dụng tiếng Anh để thực hiện nhiệm vụ. Phần hấp dẫn và được các học sinh mong chờ trong tiết học chính là hoạt động trải nghiệm trực tiếp thực hiện một khâu chế biến một món đặc sản ẩm thực. Cô giáo giao nhiệm vụ 3 nhóm thực hiện pha trà cúc, pha mắm chấm nem, gói nem. Do đã có quá trình tìm hiểu, trải nghiệm thực tiễn nên các em học sinh lớp 7 thực hiện rất tốt các sản phẩm thực hành.
Hội thảo chuyên môn sau tiết dạy của giáo viên trường THCS Đà Nẵng
Tiết học nội dung Giáo dục địa phương chủ đề Đặc sản ẩm thực Hải Phòng của cô và trò trường THCS Đà Nẵng đã để lại ấn tượng tốt đẹp với các đại biểu tham dự. Trong phần thảo luận chuyên môn, các đại biểu đều đánh giá cao tính hiệu quả của phương pháp dạy học dự án mà các thầy cô giáo trường THCS Đà Nẵng lựa chọn để thực hiện giảng dạy chủ đề này. Theo đánh giá của Sở GDĐT, chuyên đề của Phòng GDĐT Ngô Quyền đã được thực hiện thành công và thể hiện nỗ lực trong đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá thực hiện hiệu quả chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Các hình thức và phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá được thực hiện tại Chuyên đề có thể được nhân rộng và áp dụng tại các nhà trường để góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.

Một điểm nhấn đặc sắc của Chuyên đề là các gian trại ẩm thực được dựng trong không gian sân trường. Ban giám hiệu trường THCS Đà Nẵng mong muốn tái hiện một Hải Phòng- thiên đường ẩm thực đồng thời tạo điều kiện để học sinh được trải nghiệm và thực hành chế biến, quảng bá ẩm thực địa phương. 13 gian trại được bố trí và đặt tên theo các tuyến phố trên bản đồ ẩm thực đường phố của Hải Phòng. Tại mỗi trại, dưới sự hướng dẫn của phụ huynh và giáo viên, học sinh ở tất cả các lớp đã tự tay chuẩn bị nguyên liệu, chế biến và trình bày các món ăn.
Học sinh THCS Đà Nẵng tự tin thực hành chế biến món ăn
Sự hào hứng của các em học sinh THCS Đà Nẵng trong Chuyên đề
Hoạt động trải nghiệm ẩm thực tại các trại đã diễn ra sôi nổi ngay sau tiết dạy Chuyên đề. Các đại biểu và các thầy cô giáo tham dự đều ấn tượng với sự năng động, tự tin, đầy hào hứng của học sinh và sự tâm huyết của đội ngũ cán bộ quản lý và thầy cô giáo trường THCS Đà Nẵng.