Ngày 11/9/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1625/QĐ-TTg phê duyệt Đề án kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2014-2015 và lộ trình đến 2020. Mục tiêu của Đề án là xây dựng các trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia theo hướng hiện đại hóa, kiên cố hóa, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần 8 khóa XI về "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế"
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu thành phố Hải Phòng
Thực hiện chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục nhằm tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội, trong những năm qua, việc kiên cố hóa trường, lớp và nhà công vụ cho giáo viên đã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của thành phố Hải Phòng. Cấp ủy, chính quyền các cấp và các ngành liên quan đã quan tâm đẩy mạnh xây dựng kế hoạch, lộ trình, cơ chế chính sách để đầu tư cho giáo dục. Báo cáo của Bộ GDĐT tại Hội nghị đã ghi nhận “Thành phố Hải Phòng là một ví dụ điển hình về việc đã có cơ chế chính sách đặc thù để huy động xã hội hóa”
Thành phố đã bố trí kinh phí và tranh thủ các nguồn lực đầu tư để xây dựng, sửa chữa, kiên cố hóa trường lớp, xóa bỏ phòng học tạm, xuống cấp, bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ công tác giảng dạy. Trong giai đoạn 2013-2023, công tác này đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Tỷ lệ phòng học kiên cố tăng từ 87.5% năm 2013 lên 96.2% năm 2023, cao hơn tỷ lệ trung bình toàn quốc. Số trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn thành phố tăng từ 285 trường năm 2013 lên 461 trường năm 2023. Tính đến hết năm 2023, số thiết bị dạy học tối thiểu theo danh mục đáp ứng nhu cầu dạy học của thành phố Hải phòng là 61,7%, cao hơn bình quân của Vùng đồng bằng sông Hồng (49,5%) và cả nước (50,9%). 100% các trường tiểu học tổ chức học 2 buổi/ngày, gần 100% các trường THCS và THPT đảm bảo bố trí mỗi lớp 1 phòng học. Kinh phí đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị dạy học từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp khác tăng theo từng năm (năm 2023 tổng kinh phí đầu tư là 1.862 tỷ tăng so với năm 2022 là 610 tỷ).
Các chính sách khuyến khích xã hội hoá giáo dục đã được triển khai hiệu quả, thúc đẩy phát triển giáo dục mầm non, phổ thông ngoài công lập. Việc tham gia xã hội hoá giáo dục của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài có những chuyển biến tích cực. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có các trường xây bằng nguồn vốn xã hội hóa với cơ sở vật chất hiện đại, tiên tiến, đạt chuẩn quốc tế (Trường TH-THCS& THPT Alpha Hải Phòng có kinh phí đầu tư 365 tỷ đồng, trường Quốc tế Singapore có kinh phí đầu tư 395 tỷ đồng,…). Ngày 5/4/2024, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 07/2024/QĐ-UBND về Quy định danh mục lĩnh vực địa bàn ưu đãi xã hội hóa và mức miễn, giảm tiền thuê đất đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa sử dụng đất tại các đô thị trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Theo đó, các cơ sở thực hiện xã hội hóa (thuộc các lĩnh vực giáo dục đào tạo và dạy nghề, y tế, văn hóa thể thao, thể dục thể thao) được hưởng mức ưu đãi tiền thuê đất. Cụ thể, các trường mầm non, trung học phổ thông, phổ thông có nhiều cấp học được miễn tiền thuê đất 03 năm và giảm tiền thuê đất từ 50% đến 70% cho thời gian thuê đất thực hiện dự án còn lại. Chính sách này góp phần thúc đẩy đầu tư, khuyến khích xã hội hóa trong giáo dục và đào tạo.
Công tác xã hội hóa giáo dục tại Hải Phòng không chỉ thu hút sự đóng góp từ các nhà đầu tư mà còn huy động được sự chung tay góp sức của người dân, doanh nghiệp ngay trên địa bàn. Tiêu biểu là gia đình Trung tướng Trần Bá Thiều, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng Bộ Công an và Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Hoàng Kim. Thời gian qua, gia đình Trung tướng Trần Bá Thiều đã ủng hộ một số công trình phòng học, bếp ăn, tham gia sửa chữa phòng học, tặng trang thiết bị dạy học cho trường Mầm non Dương Quan huyện Thủy Nguyên. Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Hoàng Kim đã tặng cho trường THPT Lê Quý Đôn công trình xây mới cổng trường với kinh phí 1108 triệu đồng, công trình được hoàn thành vào tháng 5/2023. Đây là những tập thể, cá nhân tiêu biểu cho rất nhiều người dân, phụ huynh học sinh, các nhà "mạnh thường quân" đã tích cực tham gia vào công tác xã hội hóa giáo dục, góp phần vào mục tiêu xây dựng trường, lớp ngày càng khang trang, sạch, đẹp, tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh đến trường học tập, rèn luyện. Điều này cho thấy, chủ trương xã hội hóa giáo dục đã, đang khai thác và phát huy tối đa tiềm năng của toàn xã hội đối với sự phát triển giáo dục Hải Phòng.
Trong thời gian tới, để thúc đẩy xã hội hóa kiên cố hóa trường lớp và nhà công vụ cho giáo viên, UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp học; trong đó chú trọng phát triển cơ sở giáo dục, đảm bảo quỹ đất cho việc xây dựng các trường học mới, nhất là tại các khu đô thị mới, khu tập trung đông dân cư. Tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất hiện có; bố trí nguồn kinh phí đầu tư, mua sắm cơ sở vật chất trường, lớp học, trang thiết bị dạy học. Đồng thời, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, từ cộng đồng, cha mẹ học sinh đóng góp và các nguồn vốn, nguồn tài trợ hợp pháp khác đế đầu tư xây dựng cơ sở vật chất các trường. Các cấp, các ngành, các đơn vị thực hiện công khai, minh bạch và sử dụng đúng mục đích các nguồn kinh phí xã hội hóa./.