Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), hiện Hải Phòng có hơn 175.000 học sinh ăn bán trú, trong đó mầm non hơn 115.000 và tiểu học hơn 60.000 em. Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD-ĐT), bà Trần Thu Hằng cho biết: Thời gian qua, ngành GD-ĐT đã chỉ đạo các nhà trường kiểm soát tốt việc cung ứng thực phẩm an toàn trong bếp ăn bán trú, ký hợp đồng cung cấp thực phẩm chặt chẽ, bảo đảm pháp lý; duy trì nền nếp quy trình giao nhận thực phẩm nên chưa xảy ra sự việc mất ATVSTP gây ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh. Tuy vậy, từ một số vụ ngộ độc thực phẩm trong trường học trên cả nước là hồi chuông cảnh báo các trường trên địa bàn không được phép lơ là, chủ quan đối với việc bảo đảm ATVSTP bếp ăn bán trú.
Để bảo đảm sức khỏe học sinh, hiện các trường tổ chức ăn bán trú trên địa bàn đều siết chặt quản lý bếp ăn. Tại Trường mầm non Vạn Hương (quận Đồ Sơn), nhà trường ký hợp đồng trực tiếp với cơ sở cung cấp thực phẩm, không qua khâu trung gian; mỗi tháng hiệu trưởng gặp trực tiếp chủ cơ sở một lần để trao đổi các vấn đề về thực phẩm. Hàng ngày hiệu trưởng đứng ra tiếp nhận thực phẩm, khuyến khích cha mẹ học sinh cùng giám sát và có ý kiến đóng góp. Nhà trường cũng siết chặt “đầu vào”, không sử dụng thực phẩm đông lạnh hay chế biến sẵn như giò, chả, bún, thịt, cua xay sẵn. Với Trường mầm non Đằng Hải (quận Hải An), theo Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thúy, Ban giám hiệu tăng cường kiểm tra chất lượng đầu vào, quy trình chế biến, bảo quản thực phẩm, các điều kiện vệ sinh môi trường, dụng cụ nấu ăn cũng như phòng chống côn trùng xâm nhập...
Liên quan đến vấn đề này, Bộ GD-ĐT, UBND thành phố, Sở GD-ĐT ban hành công văn đề nghị các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, nhà trường tuyệt đối không lơ là, chủ quan trong bảo đảm ATVSTP. Sở GD-ĐT cũng phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức đoàn kiểm tra một số trường học trên địa bàn về bảo đảm ATVSTP bếp ăn bán trú... Quá trình kiểm tra, đoàn ghi nhận các trường thực hiện hồ sơ, ghi chép sổ sách đúng quy định; ký hợp đồng với nhà cung cấp thực phẩm, quy trình kiểm tra, tiếp nhận bảo đảm; nhân viên nấu ăn có chứng chỉ, được tập huấn kiến thức vệ sinh ATTP, khám sức khỏe định kỳ; đồng thời góp ý các nhà trường cần lưu mẫu thức ăn bảo đảm định lượng; bảo quản thức ăn riêng biệt, tránh lây nhiễm chéo, tăng cường giám sát nguồn nhập thực phẩm.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Quốc Hiệu cho biết: Thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường bảo đảm VSATTP trong trường học; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức các cấp, ngành và nhân dân; tổ chức các lớp tập huấn kiến thức VSATTP cho cán bộ quản lý và nhân viên bếp. Ngành Giáo dục cũng mong cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện quy định của pháp luật về bảo đảm VSATTP tại các cơ sở cung cấp thực phẩm cho trường học nhằm phát hiện kịp thời các vi phạm, từ đó hạn chế tối đa nguy cơ ngộ độc thực phẩm./.
Các cô nuôi Trường mầm non Đằng Hải (quận Hải An) siết chặt quy trình chế biến thực phẩm.
Việc tuân thủ quy định ATVSTP giúp bảo vệ sức khỏe học sinh tại các nhà trường (trong ảnh: Cô nuôi Trường mầm non Đằng Hải (quận Hải An) đang chế biến thực phẩm)
Cô nuôi Trường tiểu học Đằng Hải (quận Hải An) đang chia suất cơm.