Học sinh Trường THPT Đồng Hòa tìm hiểu kiến thức giới tính, pháp luật tại Hội thi “Tuyên truyền giáo dục bình đẳng giới, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên” tổ chức tháng 10-2022.
Giới tính và làn ranh pháp luật
Sáng 13-4 vừa qua, dư luận xôn xao khi Công an quận Đồ Sơn khởi tố 2 nam sinh lớp 10 là Hoàng Trung H., ở xã Đại Hợp (huyện Kiến Thụy) và Lê Mạnh Tuấn A. ở phường Ngọc Xuyên (quận Đồ Sơn) do có hành vi hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Điều đáng nói, hai nam sinh này xâm hại em N.T.L học sinh lớp 9 và quay lại clip, phát tán đến học sinh trong trường. Vụ việc chưa kịp lắng xuống, chỉ sau đó một ngày, Công an quận Đồ Sơn tiếp tục thông tin vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Minh Sang, 32 tuổi, ở phường Hợp Đức (quận Đồ Sơn) để điều tra về hành vi “Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi” khiến nạn nhân mang thai.
Điều đáng nói, bên cạnh những vụ việc xâm hại do bị ép buộc, có những trường hợp đồng thuận của hai bên. Nhận thức không đầy đủ về sức khỏe giới tính cũng như quy định pháp luật liên quan khiến nhiều bạn trẻ vướng vào vòng lao lý. Điều đó cho thấy giáo dục giới tính, giáo dục pháp luật đối với trẻ vị thành niên hiện nay có lúc, thời điểm chưa thường xuyên, liên tục, hiệu quả chưa cao.
Em Hoàng Thái Hà, học sinh lớp 12 Trường THPT Đồng Hòa bày tỏ: Tại trường học, chúng em có môn Sinh học, Giáo dục công dân đề cập nội dung giáo dục giới tính, giáo dục pháp luật, song chương trình chưa đáp ứng những vấn đề chúng em quan tâm. Đa phần chúng em vì e ngại bố mẹ, thầy cô nên thường tự tìm hiểu qua mạng internet.
Kết quả điều tra mục tiêu phát triển bền vững quốc gia do Tổng cục Thống kê công bố năm 2022, có khoảng 22-28% thanh niên từ 15 đến 24 tuổi có quan hệ tình dục. Nam thanh niên quan hệ giới tính trước 15 tuổi là 0,2%, ở nữ là 0,9%. Gần 9% nữ thanh niên từ 15 đến 19 tuổi quan hệ với bạn tình hơn mình 10 tuổi trở lên.
Bày tỏ về vấn đề này, tiến sĩ tâm lý
Đoàn Minh Tỵ, nguyên Trưởng Khoa Tâm lý giáo dục, Trường đại học Hải Phòng cho biết: Tại gia đình, nhiều cha mẹ thừa nhận khó khăn khi giáo dục giới tính cho con do tâm lý lo sợ “vẽ đường cho hươu chạy” hoặc không biết dạy sao cho đúng. Tại nhà trường, do chương trình học văn hóa tương đối nhiều, nên đôi thi các thầy, cô giáo chưa đánh giá sự cần thiết của giáo dục giới tính cho học sinh. Trong khi đó, khi trẻ mày mò, tự tìm hiểu trên mạng internet mà không có định hướng của người lớn, sẽ dễ chịu tác động tiêu cực, mắc các sai lầm, đối diện hậu quả sức khỏe, về pháp lý khi thiếu kiến thức về giới tính như các vụ việc kể trên.
Không thể xem nhẹ Hiệu trưởng Trường THPT Đồng Hòa Hoàng Thị Phương Thảo bày tỏ: Tại nhà trường hiện nay, ngoài việc giáo dục giới tính cho học sinh được lồng ghép trong môn Giáo dục công dân,Sinh học, giờ sinh hoạt lớp, nhà trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm chủ động gần gũi, chia sẻ với học sinh, giúp các em hiểu về giới tính, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Tháng 10- 2022, nhà trường tổ chức hội thi “Tuyên truyền giáo dục bình đẳng giới, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên” và chính học sinh là người trực tiếp trả lời các câu hỏi, xây dựng tình huống thi, tăng hiệu quả việc giáo dục so với trước. Tuy nhiên, với tác động tiêu cực của internet hiện nay, vấn đề giáo dục giới tính trở nên cấp thiết hơn. Bởi vậy, nhà trường mong muốn có sự đồng hành của cha mẹ học sinh trong vấn đề này. Khi mỗi bậc cha mẹ nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của giáo dục giới tính, thì sự phối hợp với nhà trường mới phát huy hiệu quả.
Thẳng thắn nhìn nhận, việc giáo dục giới tính cho trẻ, kết hợp tuyên truyền pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu. Năm 2022 vừa qua, các địa phương, Đoàn thanh niên, sở, ngành tổ chức nhiều cuộc phổ biến pháp luật, nhưng nội dung chủ yếu đề cập vấn nạn bạo lực học đường, phòng, chống ma túy, an toàn giao thông mà xem nhẹ giáo dục giới tính, hậu quả pháp luật, sức khỏe do hành vi “vượt rào” gây ra. Theo tiến sĩ tâm lý Đoàn Minh Tỵ, để khắc phục “lỗ hổng” này, cần sự chung tay của nhà trường, gia đình và xã hội, đánh giá đúng tầm quan trọng của việc giáo dục giới tính. Nội dung, phương pháp giáo dục cần thực chất, đa dạng hơn, thẳng thắn những nội dung trẻ quan tâm và song hành với giáo dục kiến thức pháp luật. Chỉ khi có sự quan tâm, gần gũi thường xuyên, các bậc cha mẹ, thầy cô giáo mới kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm, chia sẻ kinh nghiệm và định hướng cho con trẻ về kỹ năng xử lý các mối quan hệ, giúp các con hiểu biết hơn về tâm sinh lý tuổi mới lớn, từ đó có lối sống lành mạnh. Có như vậy mới phòng ngừa và ngăn chặn hiệu quả những sự việc đau lòng như trên./.