Trước đó, trả lời chất vấn của Hội đồng nhân dân TP về tình trạng dạy thêm, học thêm ở các cấp học trên địa bàn thành phố còn nhiều, hiệu quả không cao, dạy và học chữ còn quá nhiều so với các hoạt động khác. Cá biệt có một số cơ sở giáo dục (đặc biệt là tư thục) gần như không có hoạt động Đoàn đội trong nhà trường.
Trước ý kiến này, Giám đốc sở GDĐT Hải Phòng Bùi Văn Kiệm thừa nhận, tình trạng dạy thêm, học thêm còn nhiều, hiệu quả không cao là có phần đúng. Theo ông Kiệm, hiện nay, việc dạy thêm, học thêm đã được quy định tại Thông tư 17 của Bộ GDĐT và nhiều văn bản của của UBND thành phố, của Sở GDĐT, các quy định đã rất rõ ràng về nội dung chương trình, số buổi, số tiết, về khung giờ… nhằm kiểm soát việc dạy thêm trong nhà trường hiệu quả.
“Nhưng trên thực tế, còn có tình trạng khá phổ biến là học sinh học thêm nhiều, ít được tham gia các hoạt động ngoài giờ học chính khóa, ít được vui chơi, giải trí, phát triển toàn diện. Giám đốc Sở đã từng nhận phản ánh tiết thể dục học sinh gần như không được học thể dục mà để dùng để học Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Và cá biệt, qua rà soát, còn có 2 trường tư thục có học sinh cấp Tiểu học và THCS chưa có tổ chức Đội đúng như cử tri phản ánh” - ông Kiệm nói.
Theo ông Kiệm, nguyên nhân của tình trạng trên là từ hai phía. Về phía nhà trường, mặc dù dạy thêm đã được quy định rất rõ, tuy nhiên, Sở nhận được không ít kiến nghị và phải tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý đơn thư, tin nhắn phản ánh, khiếu nại về việc học thêm ép buộc, học thêm quá nhiều - nhất là thời điểm đầu năm học.
Sở dĩ các trường “tích cực” tổ chức dạy thêm như vậy có phần xuất phát từ áp lực thành tích của giáo viên, của nhà trường trước các kỳ thi, nhất là thi tuyển sinh vào lớp 10, thi học sinh giỏi, xét tuyển đại học. Dạy thêm còn xuất phát từ vấn đề đời sống và thu nhập của thầy cô giáo trong điều kiện tiền lương như hiện nay.
Ngoài ra, nguồn trích lập từ thu tiền học thêm đang là nguồn đáng kể để phục vụ sửa chữa, mua sắm trang thiết bị và chi phúc lợi vào dịp lễ Tết cho thầy cô giáo. Đã có một bộ phận giáo viên mặc nhiên coi thu nhập từ dạy thêm thành thu nhập chính.
Thứ hai là từ phía gia đình, phụ huynh. Nhiều phụ huynh còn có tâm lý không cho con học thêm sẽ không yên tâm, thậm chí lo ngại con em mình bị trù dập, đi học thêm để có được sự quản lý của nhà trường, thầy cô. Nhiều trường hợp còn xin học thêm nhiều nơi, dẫn đến tốn tiền bạc, công sức đưa đón, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển toàn diện của trẻ.
Để khắc phục tình trạng trên, Giám đốc Sở GDĐT Hải Phòng cho rằng cần phải từ 2 phía. Về phía ngành giáo dục, không được ép buộc học sinh học thêm dưới bất cứ hình thức nào, đặc biệt không để xảy ra tình trạng phụ huynh, học sinh làm đơn, đăng ký học thêm hình thức, đối phó theo mẫu thống nhất, trở thành ép buộc, gây bức xúc trong phụ huynh và dư luận xã hội.
Mặc dù Sở GDĐT cũng đã tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra về dạy thêm học thêm, minh chứng về sự đồng thuận của phụ huynh, việc thu chi dạy thêm và cũng đã xử lý và kiến nghị xử lý nhiều trường hợp. Tuy nhiên, với số lượng 40 trường THPT, 180 trường THCS công lập trên địa bàn thì việc thanh tra, kiểm tra chỉ là biện pháp cuối cùng, chỉ xử lý được phần ngọn.
Về phía gia đình, phụ huynh và cộng đồng xã hội, ngành giáo dục rất mong muốn và đề nghị các gia đình, các bậc phụ huynh cần phát huy vai trò, trách nhiệm cùng nhà trường quản lý và giáo dục con em mình, không khoán trắng cho nhà trường và thầy cô giáo. Phụ huynh không nên tạo sức ép với con cái về thành tích học tập ở trường, không nên chỉ chú trọng đầu tư cho con học chữ; dành thời gian cho con được tham gia các hoạt động trong môi trường gia đình, cộng đồng, xã hội để phát triển toàn diện.
“Phụ huynh cần có thái độ kiên quyết với tình trạng vận động, ép buộc học thêm để việc học thêm đúng quy định, thực sự hiệu quả và lành mạnh. Chúng tôi rất cần phụ huynh đấu tranh trực diện, thay vì gửi đơn, gửi tin nặc danh đến sở, đến các cơ quan báo chí, đưa lên mạng xã hội. Chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý đến cùng các hành vi ép buộc học thêm hay trù dập học sinh chỉ vì không tham gia học thêm” - ông Kiệm nói.
Cũng tại buổi trả lời chất vấn, Giám đốc Sở GDĐT Hải Phòng cũng đã trả lời về vấn đề thay sách giáo khoa cũng như việc sáp nhập các trường theo kế hoạch sáp nhập các xã, thị trấn trên địa bàn.