“Kính thưa quý vị đại biểu, các thầy giáo, cô giáo.
Thay mặt ngành giáo dục và đào tạo thành phố, tôi xin được trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo đại diện Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, các ban, ngành, đoàn thể đã dành thời gian đến dự Lễ kỷ niệm để động viên, khích lệ đối ngũ các thầy giáo, cô giáo, những người làm công tác giáo dục của thành phố. Chúng tôi nhận thức, đây chính là sự thể hiện tốt đẹp nhất cho sự quan tâm sâu sắc của các cấp, ngành, của toàn thể nhân dân thành phố dành cho sự nghiệp giáo dục.
Kính thưa quý vị đại biểu, kính thưa các thầy giáo, cô giáo.
Hằng năm, nhiều nước trên thế giới cũng kỷ niệm ngày hiến chương nhà giáo để tôn vinh nghề dạy học. Mục đích của ngày hiến chương nhà giáo là động viên sự ủng hộ của cộng đồng đối với giáo viên toàn cầu đồng thời đảm bảo nhu cầu giáo dục của các thế hệ tương lai tiếp tục được thỏa mãn. Ở Việt Nam, lần đầu tiên ngày "Quốc tế hiến chương các nhà giáo" được tổ chức trên toàn miền Bắc vào ngày 20/11/1958.
Đến năm 1982, bằng Quyết định số 167, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ra lấy ngày 20/11 là Ngày nhà giáo Việt Nam. Như vậy, hàng năm, trong khi giáo giới tiến bộ thế giới vẫn kỷ niệm ngày mang tên "Quốc tế hiến chương các nhà giáo"; thì ở nước ta, ngày hội của giáo giới có tên gọi riêng có và nói lên rất nhiều ý nghĩa: Ngày Nhà giáo Việt Nam.
Đến nay đã là 40 năm, mặc dù con số 40 không thể nói hết về “nghĩa sư đồ” của một dân tộc hàng ngàn năm văn hiến, nhưng “Ngày Nhà giáo Việt Nam” 20/11 từ lâu đã trở là ngày Tết của nhà giáo, ngày hội toàn dân của một đất nước hiếu học, tôn sư.
Chúng ta tự hào và biết ơn những nhà giáo trong lịch sử, đã để lại cho đời hình mẫu lý tưởng về thanh danh và cốt cách cao đẹp. Đó là những tên tuổi lớn: Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, những người thầy của muôn đời trong lòng dân tộc. Chúng ta tự hào và biết ơn thầy giáo Nguyễn Tất Thành, thầy giáo Võ Nguyên Giáp, những người thầy đã tự nguyện dấn thân vào con đường cách mạng, tự nguyện nhận về mình sứ mệnh lớn lao của thời đại, của dân tộc.
Với giáo dục Hải Phòng, chúng ta tưởng nhớ về Nhà giáo Lê Xuân Phùng, Giám đốc Sở Giáo dục Hải Phòng, Nhà giáo Hoàng Xạ, Trưởng Ty Giáo dục Kiến An – những người đã“Mở lối cho giáo dục Hải Phòng”. Và những thế hệ lãnh đạo ngành giáo dục kế tiếp đã tiếp tục xây đắp nên truyền thống giáo dục Hải Phòng: Thầy Lê Văn Ngươn, Thầy Nguyễn Trọng Lô, Cô Bùi Thị Sinh, Thầy Trần Xuân Đình, Thầy Đỗ Thế Hùng, Thầy Nguyễn Xuân Trường, Thầy Lê Quốc Tiến, và lớp lớp cán bộ giáo dục, nhà giáo với rất nhiều tên tuổi lớn, rất đáng kính trọng, ngưỡng mộ về tài năng và đức độ.
Với giáo dục Hải Phòng, 67 năm qua, từ những viên gạch đầu tiên cho tới cơ ngơi giáo dục như ngày hôm nay là những chặng đường đầy thử thách nhưng rất đáng tự hào. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố qua các thời kỳ, sự ủng hộ, tạo điều kiện của các cấp, ngành, đơn vị, sự tin tưởng và giúp sức của nhân dân, của cha mẹ học sinh, giáo dục Hải Phòng đã góp phần xứng đáng vào những bước tiến của ngành giáo dục cả nước cũng như đóng góp vào sự phát triển kinh tế- xã hội của thành phố chúng ta.
Xin toàn thể Lễ kỷ niệm cùng vỗ tay thật lớn để tri ân các thế hệ thầy cô là lãnh đạo ngành, các thế hệ cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục Hải Phòng.
Kính thưa quý vị đại biểu, quý thầy cô.
Trong buổi lễ hôm nay, với vị trí của một người làm công tác giáo dục, xin được nói lên một số suy nghĩ:
Thứ nhất: Nghề giáo, như ai đó nói là nghề: “Nắm bàn tay; mở khối óc; chạm trái tim”. Chính vì thế, nghề giáo luôn được xã hội trân trọng, tôn vinh là và đồng thời xã hội, cộng đồng cũng có những đòi hỏi khắt khe hơn, cao hơn về các giá trị, chuẩn mực, thậm chí là khác biệt, đôi khi nhà giáo không dám sống, không được sống như người bình thường. Sản phẩm của giáo dục là nhân cách, bao gồm: tri thức, năng lực trí tuệ, rung cảm, thái độ, ý chí, kĩ năng, kĩ xảo, thói quen. Nhân cách của người học chính là ánh xạ của nhân cách người thầy. Vì vậy, chúng ta luôn tự dặn mình: Nhân cách của nhà giáo chính là quyền uy của giáo dục.
Thứ hai: Mặc dù, nhà giáo chúng ta đang phải chịu rất nhiều áp lực, thậm chí là những nỗi sợ hãi: sợ cấp trên, sợ các quy định chuyên môn, sợ truyền thông, sợ dư luận, và cả nỗi sợ phụ huynh, thậm chí sợ cả học sinh, cảm thấy như mất dần đi những quyền năng vốn có để dạy dỗ học sinh. Song, tôi và chúng ta không bao giờ bi quan mà tin rằng “thành trì tôn sư trọng đạo đã sụp đổ”, khi mà có chuyện phụ huynh bắt thầy giáo quỳ gối. Những hiện tượng đáng lên án như vậy mãi mãi chỉ là cá biệt, không bao giờ làm lung lay được đạo học của dân tộc, đất nước ta.
Trên tất cả, chúng ta hãy tự hào và tin tưởng, dù ở bất kỳ xã hội và thời đại nào“Người thầy không bao giờ bị thay thế”. Đặc biệt là, với quan điểm “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, với chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của Trung ương Đảng, dưới sự chỉ đạo kiên trì, quyết tâm của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhất là sự quan tâm sâu sắc của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố cùng các ban, ngành, đoàn thể bằng những cơ chế, chính sách mạnh mẽ, nổi trội, thiết thực cho giáo dục và đào tạo; với truyền thống hiếu học và sự tin tưởng, ủng hộ của đông đảo nhân dân thành phố, chúng ta càng vững tin, vị thế của người giáo viên, vai trò của giáo dục Hải Phòng sẽ được củng cố, khẳng định vững chắc. Đội ngũ thầy cô giáo cũng như ngành giáo dục Hải Phòng sẽ giành được lòng tin của nhân dân, có những đóng góp - có thể chưa đo đếm được bằng tỉ lệ % vào sự tăng trưởng kinh tế - nhưng chắc chắn sẽ rất xứng đáng vào sự phát triển chung của của thành phố chúng ta.
Thứ ba: Ngạn ngữ có câu “Cần có cả một ngôi làng để giáo dục một đứa trẻ”. Bởi thế, ngành giáo dục, đội ngũ thầy cô giáo chúng tôi mong mỏi rằng, giáo dục không chỉ là bổn phận của thầy cô, của nhà trường mà phải là của cộng đồng, của toàn xã hội. Chúng tôi mong mỏi, cùng với sự phán xét hãy là sự đồng cảm và chia sẻ; thay vì chỉ nghe và tin ngay vào những quy kết, hãy thấu hiểu và nhìn thấy điều cốt lõi là chúng tôi đã và đang muốn làm giáo dục một cách tử tế nhất. Thay vì làm cho chúng tôi sợ hãi, lo âu, hãy biết quan tâm, bênh vực, bảo vệ nhà giáo – như là quan tâm, bênh vực, bảo vệ giá trị trụ cột của giáo dục.
Kính thưa quý vị đại biểu, quý thầy cô.
Một lần nữa, trân trọng cảm ơn sự hiện diện các đồng chí lãnh đạo, các vị đại biểu khách quý tại Lễ kỷ niệm hôm nay.
Xin kính chúc các thầy cô giáo có mặt tại Lễ kỷ niệm này cùng toàn thể đội ngũ thầy cô giáo trong toàn thành phố được tận hưởng niềm vui trọn vẹn trong dịp kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam. Và như lời chúc của đồng chí Bí thư Thành ủy khi thăm hỏi thầy cô: Chúc các thầy cô xứng đáng mãi mãi là thầy cô giáo. Dù khó khăn đến đâu cũng phải đứng thẳng lưng và ngẩng cao đầu.
Trước khi dừng lời, xin trích đọc lại những câu thơ của nhà thơ, nhà giáo Phạm Ngà:
Còn một phút lên lớp/ Hết thảy quên đi/ Hết thảy nhớ về/ Loại ra những thải thừa pha tạp/ Trở lại thăng bằng/ Như gam màu trắng/ Như nốt lặng/ Những rung động thật lòng/ Thật sáng trong/ Như lùi xa lấy đà/ Băng về đích.
Xin trân trọng cảm ơn./.