Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, bộ đã đề xuất nhiều chính sách để giải quyết các vấn đề liên quan đến chế độ đãi ngộ, tuyển dụng với nhà giáo. Ảnh: Thế Đại.
Phát biểu tại sự kiện Thủ tướng gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam diễn ra chiều 17.11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh vai trò của nhà giáo trong quá trình thực hiện sứ mệnh nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, đào tạo nguồn nhân lực phát triển đất nước.
Theo bộ trưởng, cả nước hiện có hơn 1,6 triệu nhà giáo ở các cấp học từ mầm non, phổ thông, dạy nghề, đại học, làm việc trong cả hai khối công lập và ngoài công lập.
Năng lực sư phạm của phần lớn nhà giáo được nâng lên, bước đầu đáp ứng yêu cầu cơ bản về đổi mới nội dung, phương pháp dạy học khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đội ngũ cán bộ quản lý phần lớn đều là nhà giáo giỏi được điều động, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt; cơ bản đáp ứng được yêu cầu lãnh đạo, quản lý ở cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý giáo dục.
Các nhà giáo, nhà khoa học công tác tại cơ sở giáo dục đại học đã và đang đóng góp quan trọng trong nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo. Những phát minh sáng chế, giải pháp hữu ích, công bố khoa học quốc tế phần lớn được thực hiện bởi các nhà giáo-nhà khoa học.
Tuy nhiên, bộ trưởng cho hay, công tác phát triển đội ngũ nhà giáo vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Đời sống của nhà giáo với nhiều khó khăn, nhất là các thầy cô ở vùng sâu vùng xa. Cơ cấu đội ngũ nhà giáo vẫn mất cấn đối giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền có điều kiện kinh tế-xã hội khác nhau. Tình trạng thiếu giáo viên còn diễn ra tại nhiều địa phương.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, hiện cả nước thiếu 127.583 giáo viên và con số này đang gia tăng không ngừng.
Nhận thức về các khó khăn và thách thức, bộ trưởng cho hay: Bộ GDĐT đã chỉ đạo địa phương rà soát công tác quản lý biên chế, tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục. Phối hợp với Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ tham mưu trình Bộ Chính trị phê duyệt 65.980 biên chế giáo viên bổ sung cho các địa phương trong giai đoạn 2022-2026.
Đặc biệt, Bộ GDĐT đã tham mưu Chính phủ ban hành, sửa đổi, bổ sung các cơ chế tuyển dụng hợp đồng lao động để các cơ sở giáo dục được ký kết hợp đồng lao động góp phần giải quyết khó khăn về thiếu giáo viên.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Luật Nhà giáo đang bước đầu được triển khai và hướng tới mục tiêu tạo ra những thay đổi tích cực về thể chế, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để phát triển đội ngũ nhà giáo.