Điều kiện tiên quyết, tất yếu
Trường Trung học Cơ sở thị trấn Tiên Lãng, huyện Tiên Lãng là một trong 17 trường học trung học cơ sở ở huyện. Năm học 2023-2024 là năm thứ 10 liên tiếp, đây là đơn vị dẫn đầu khối thi đua cấp Trung học cơ sở. Trong năm học này, nhà trường có 471 học sinh giỏi cấp huyện, 40 học sinh giỏi cấp thành phố và có 39 giải cấp quốc gia.
Theo bà Vũ Thị Mai Hương, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở thị trấn Tiên Lãng, nhà trường đã hoàn thành việc tu sửa cơ sở vật chất phục vụ năm học mới. Trong năm học 2024-2025, với sự đầu tư nguồn ngân sách từ thành phố và huyện Tiên Lãng, nhà trường sẽ có 12 phòng học mới trong tổng số 29 phòng học. Các phòng mới có cơ sở vật chất khang trang, sạch đẹp, đầy đủ ánh sáng, đồng thời được trang bị ti vi, internet để phục vụ đắc lực cho việc dạy và học.
Bà Vũ Thị Mai Hương cho biết, nguồn lực đầu tư của thành phố trong giáo dục trong những năm qua có vai trò hết sức quan trọng, Bởi trong giai đoạn hiện nay, trường học không chỉ là nơi truyền tải kiến thức mà còn là nơi đồng hành cùng học sinh và gia đình để các em phát triển toàn diện về đức, trí, thể mỹ. Muốn đạt kết quả như vậy, học sinh phải có môi trường điều kiện rèn luyện và cơ sở vật chất là yếu tố hàng đầu tạo nên thành công.
Cô giáo Nguyễn Thị Mai Anh (giáo viên Tiếng Anh) và cô giáo Đào Thị Thúy (giáo viên Toán) của Trường Trung học Cơ sở Thị trấn Tiên Lãng, các phòng học có trang thiết bị đồng bộ, hiện đại sẽ tạo ra môi trường giảng dạy, học tập hiệu quả. Giáo viên dễ dàng chia sẻ dữ liệu khai thác trên mạng internet, góp phần làm phong phú cho bài giảng. Còn các em học sinh cũng hăng hái tham gia một số hoạt động học tập trên máy tính như luyện nghe, chơi trò chơi tiếng Anh, làm bài tập về hình khối môn Toán, nhờ đó, tiết học rất cuốn hút, học sinh nhớ lâu kiến thức.
Em Đỗ Hoàng Anh, học sinh lớp 8, Trường Trung học Cơ sở Thị trấn Tiên Lãng chia sẻ, khi học sinh được sử dụng máy tính để học một số tiết trên lớp, không khí trong lớp rất sôi nổi vì bạn nào cũng có cơ hội để tham gia trực tiếp vào bài giảng. Các thiết bị hỗ trợ trong phòng học như ti vi, máy chiếu hiện đại sẽ giúp việc xử lý, truyền tải nội dung bài học nhanh chóng, thu hút học sinh chú ý, không bị phân tán tư tưởng.
Theo ông Cao Văn Rôi, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tiên Lãng, cùng với nguồn đầu tư từ ngân sách thành phố, địa phương và nguồn vốn xã hội hóa, huyện đã có 44/64 trường đạt chuẩn quốc gia. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, dạy học có bước chuyển biến mạnh mẽ ở tất cả các cấp học. Cơ sở vật chất tốt là một yếu tố quan trọng để huyện Tiên Lãng duy trì chất lượng, trong đó có giáo dục mũi nhọn, 26 năm liên tiếp huyện có học sinh giỏi quốc gia.
Tiếp tục ưu tiên nguồn lực
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ của Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng trung tuần tháng 8/2024, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam cho biết, năm học 2023-2024, thành phố tiếp tục thực hiện một số chính sách đặc thù, tiêu biểu và mang lại hiệu quả cao như chi gần 10 tỷ đồng tiền thưởng cho giáo viên và học sinh giỏi quốc gia, khu vực và quốc tế. Cùng với đó, thành phố chi trên 300 tỷ đồng hỗ trợ 100% học phí cho học sinh bậc học mầm non, phổ thông và chi gần 980 tỷ đồng thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức ngành Giáo dục và Đào tạo năm 2023.
Với sự quan tâm, đầu tư đó, giáo dục và đào tạo thành phố tiếp tục duy trì những thành tích nổi bật, toàn diện trong năm học 2023-2024, trong đó có 4 học sinh đã xuất sắc đoạt 5 huy chương trong các kỳ thi Olympic khu vực, quốc tế (đặc biệt là 1 Huy chương Vàng Olympic Sinh học quốc tế, 1 Huy chương Bạc Olympic Vật lí quốc tế); có 98 giải học sinh giỏi quốc gia cấp trung học phổ thông, đứng thứ 3 toàn quốc; có 2 dự án đoạt giải Nhất Kỳ thi Khoa học kỹ thuật quốc gia và được chọn tham gia thi quốc tế. Giáo dục đại trà duy trì thành tích ổn định. Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024, Hải Phòng đứng thứ 6 cả nước về điểm trung bình các bài thi, đạt 7,15 điểm; có 1 học sinh đạt thủ khoa toàn quốc khối B.
Ông Lê Khắc Nam khẳng định, năm học mới 2024-2025 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng, trong đó có triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 từ lớp 1-12, cũng là năm học đầu tiên tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Do đó, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố tích cực chủ động tham mưu cho UBND thành phố về cơ chế, chính sách, nhất là những cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội về phát triển giáo dục và đào tạo, nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, phục vụ sự nghiệp phát triển giáo dục, đào tạo thành phố.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, năm học 2024-2025, ngành triển khai 10 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tiếp tục có giải pháp hiệu quả huy động nguồn lực hợp pháp để đầu tư cho giáo dục và đào tạo; ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học bảo đảm thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Ngành cũng tham mưu UBND, HĐND thành phố bổ sung ngân sách chi thường xuyên cho các cơ sở giáo dục để đảm bảo chi cho hoạt động dạy và học đạt tối thiểu 19% trong tổng chi thường xuyên (chưa kể chi từ nguồn thu học phí) theo quy định tại Quyết định số 30/2021/QĐ-TTg ngày 10/10/2021 của Thủ tướng.
Năm học 2023-2024, Hải Phòng có 756 cơ sở giáo dục, trong đó 635 cơ sở giáo dục công lập, 121 cơ sở giáo dục ngoài công lập; 421 trung tâm ngoại ngữ, cơ sở ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống, hoạt động ngoài giờ chính khóa, tư vấn du học; 217 trung tâm học tập cộng đồng; 4 cơ sở giáo dục đại học. Tổng số học sinh tính đến 31/5/2024 là 527.901 người. Số sinh viên, học viên theo học tại các cơ sở giáo dục đại học là 42.770 người.