Trang bị tư duy, phương pháp làm bài
Nét mới đáng chú ý trong “chiến lược” giảng dạy, bồi dưỡng của các nhà trường và giáo viên trên địa bàn năm nay là có sự nghiên cứu kỹ hơn cấu trúc đề thi của những năm gần đây để xây dựng phương pháp giảng dạy, ôn tập phù hợp, hiệu quả. Theo cô Bùi Thị Oanh, giáo viên Văn lớn 9A4, Trường THCS Đà Nẵng (quận Ngô Quyền): Để làm được điều đó, giáo viên phải chịu khó nghiên cứu tài liệu, trao đổi nghiệp vụ tổ chuyên môn trong trường, liên trường để tích lũy “ngân hàng đề” phong phú; đồng thời phải dạy cho học sinh tư duy phân tích đề cũng như các kỹ năng, phương pháp làm bài để các em có thể tự “xử lý” các dạng đề khác nhau. Cô Oanh cho rằng, phương pháp “học tủ”, thuộc văn mẫu không còn phù hợp với cấu trúc đề những năm gần đây khi phần Đọc hiểu thường có sự liên hệ thực tế cao. Để giúp học sinh có nguồn học liệu phong phú, ngoài kiến thức trong chương trình, giáo viên yêu cầu học sinh phải chịu khó đọc báo, xem thời sự để cập nhật tin tức. Thậm chí khi xảy ra hiện tượng tiêu cực liên quan đến lứa tuổi học sinh, giáo viên không tránh né mà chủ động phân tích để các em hiểu bản chất vấn đề, đồng thời yêu cầu học sinh trình bày quan điểm, cách giải quyết khi gặp trường hợp đó. Cách luyện tập thường xuyên như vậy không chỉ giúp các em mở rộng kiến thức, học liệu mà còn phát triển được tư duy, linh hoạt khi đối mặt với những đề thi mang tính mở...
Đồng tình với quan điểm trên, thầy Lê Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường THCS Đồng Hòa (quận Kiến An), cho biết: Không chỉ đổi mới phương pháp giảng dạy, nhà trường còn yêu cầu các giáo viên đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra, kiểm tra. Theo thầy Hùng, việc này có thể khiến các giáo viên cực hơn nhưng đổi lại sẽ đánh giá thực chất năng lực, phẩm chất của từng em học sinh, để từ đó giáo viên cũng như nhà trường xây dựng được kế hoạch giảng dạy, ôn luyện hiệu quả. Ngoài ra, nhà trường luôn dành sự quan tâm đặc biệt trong bố trí thời gian, số tiết, giáo viên giỏi, nhiệt tình, tâm huyết đối với khối học sinh này. Ngoài giờ học chính khóa bảo đảm theo khung chương trình năm học, giai đoạn này, các giáo viên khối 9 của nhà trường đều tranh thủ đến sớm kiểm tra bài tập cũng như dành thời gian buổi học cuối giờ để ôn luyện, củng cố kiến thức học sinh học lực yếu.
Cùng với đó, các thầy cô giáo còn tăng cường kiểm tra. Sau các lần thi, thầy cô giáo thường phân tích cấu trúc bài, chỉ rõ những thiếu sót khiến học sinh có thể bị mất điểm, giúp các em biết những hạn chế để có hướng khắc phục. Cũng từ các lần thi này, giáo viên còn nắm được năng lực từng học sinh để điều chỉnh phương thức dạy phù hợp, hiệu quả...
Chuẩn bị tốt các điều kiện cho kỳ thi
Năm học này, Hải Phòng có hơn 33.700 học sinh khối 9, tăng hơn 1.000 học sinh so với năm học trước. Do tính chất căng thẳng của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, ngay từ đầu năm học, trên cơ sở nguyện vọng đăng ký của học sinh, gia đình, các nhà trường đều xây dựng, sắp xếp thời khóa biểu, giáo viên giảng dạy, rà soát, phân loại theo kết quả học lực học sinh từ năm lớp 8 để thiết kế bài dạy phù hợp.
|
Để chuẩn bị tốt các điều kiện cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, hiện, các trường THCS trên địa bàn vừa tập trung cao độ giảng dạy để hoàn thành chương trình chính khóa vừa tập trung hệ thống lại kiến thức, làm bài kiểm tra, hướng dẫn các kỹ năng làm bài. Thông thường công tác ôn tập được chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 tiến hành từ đầu năm học đến hết học kỳ 2, các trường bố trí đan xen dạy ôn tập với kế hoạch giáo dục trong từng tuần, tích hợp trong lịch học chính khóa và các tiết học bồi dưỡng. Giai đoạn 2 ôn tập tập trung theo chủ đề, chủ điểm từ đầu tháng 5 cho đến khi thi. Ngoài tổ chức thi khảo sát cấp trường, nhiều trường còn cho học sinh thi đăng ký thi khảo sát cấp quận theo nguyện vọng. Dựa trên các đợt thi thử đó, giáo viên sẽ cùng phối hợp với các bậc cha mẹ tư vấn, định hướng để các em có những lựa chọn tiếp tục thi vào THPT hay phân luồng học nghề phù hợp với lực học và điều kiện kinh tế gia đình.
Thời điểm từ nay đến kỳ thi vào 10 chỉ còn hơn 2 tháng, trước “sức nóng” ngày càng tăng từ áp lực của kỳ thi đối với học sinh, gia đình, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Văn Lợi cho biết: UBND thành phố vừa chốt số môn thi cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT với 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ. Đây là căn cứ để các nhà trường xây dựng kế hoạch ôn luyện tập trung hiệu quả. Thời điểm này, Sở chỉ đạo các nhà trường thực hiện đúng theo khung kế hoạch năm học. Ngoài giờ học chính khoá, các trường bố trí ôn luyện kiến thức phù hợp theo quy định nên các gia đình không nên quá lo lắng. Học sinh cần vững vàng về tâm lý, tập trung học tập, ôn luyện, bố trí thời gian hợp lý giữa học tập, nghỉ ngơi, giữ sức khỏe để chuẩn bị cho kỳ thi với tâm thế thoải mái nhất.