Khẳng định văn hóa là con người, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, để chấn hưng văn hóa thì phải bắt đầu bằng giáo dục: “Phải thực hiện bằng được đổi mới căn bản giáo dục, phải cầu thị và rất kiên trì”.
Giáo dục “vun trồng văn hóa”
Phó Thủ tướng kêu gọi tất cả lãnh đạo, không chỉ lãnh đạo văn hóa, hãy bằng hành động cụ thể chú trọng đến văn hóa. Đó là lắng nghe ý kiến chuyên gia trước khi đưa ra các quyết định trong lĩnh vực mình quản lý, không chỉ lĩnh vực văn hóa.
Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 đã bế mạc, nhưng dư âm “Hội nghị Diên Hồng” và những quyết tâm chấn hưng văn hóa của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân với nhiều kỳ vọng sẽ được thực hiện để đưa đất nước phát triển bền vững trong thời đại mới.
Trước phát biểu sâu sắc của Phó Thủ tướng, Nhà nghiên cứu văn hóa – TS Nguyễn Hùng Vỹ cho rằng: Ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hoàn toàn chính xác. Dù khái niệm văn hóa được hiểu khái quát như Bác Hồ (1943) hay UNESCO (2001), hay hiểu cụ thể trong một địa hạt nào đó rất đa dạng. Lẽ đương nhiên tồn tại của văn hóa là các thế hệ trao truyền cho nhau hành động văn hóa, thành quả văn hóa, giá trị và bản sắc văn hóa.
Sự trao truyền đó, có thể trực tiếp bằng hành động kèm theo ngôn ngữ, có thể qua ngôn ngữ như tục ngữ, truyện cổ, cách tính toán... đã tồn tại từ khi chưa có chữ viết. Khi trường học hình thành, trao truyền cho thế hệ sau một cách tập trung, thì giáo dục đảm nhận vai trò cao quý đó của các hình thái xã hội.
Vả lại, khái niệm văn hóa, dù là phương Đông hay phương Tây, luôn luôn mang một cái nghĩa cốt lõi là đưa những giá trị tốt đẹp truyền lại cho các thế hệ, cho rộng khắp xã hội.
Nhà nghiên cứu văn hóa – TS Nguyễn Hùng Vỹ.
Ông Nguyễn Hùng Vỹ cũng khẳng định: Từ khi có “giáo dục”, ở bất cứ hình thái xã hội nào, cũng đều là vun trồng văn hóa. Chúng ta biết đọc, biết viết, biết làm tính, biết sống tử tế, có đức - trí - mỹ - thể đều nhờ giáo dục.
Chủ thể giáo dục là chấn hưng con người
“Chấn hưng văn hóa và phải bắt đầu từ giáo dục”, vậy bản thân ngành Giáo dục có cần phải chấn hưng hay không? Nếu phải chấn hưng thì chấn hưng những gì? Đó là thắc mắc của không ít các nhân sĩ trí thức và người dân trong mối liên hệ tương quan giữa văn hóa và giáo dục.
Ông Nguyễn Hùng Vỹ giải thích: Chấn hưng là nhiệm vụ luôn luôn phải thực hành, bất kể thời điểm nào của lĩnh vực giáo dục từ xưa đến nay. Bởi cuộc sống, xã hội luôn vận động, tuôn chảy về tương lai, không bao giờ ngừng nghỉ.
“Theo tôi cần chấn hưng tư tưởng, đường lối, thiết chế, phương sách, kế hoạch, nghiệp vụ, kỹ năng, cơ sở vật chất trong giáo dục. Tôi bắt đầu từ “tư tưởng” mà không nói đến “triết lý” vì việc đó là đẩy cánh cửa đã mở hàng ngàn năm nay trên khắp thế giới. Tất cả cái đó đều gắn với con người, chủ thể của giáo dục: Chấn hưng con người”, Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vỹ cho biết.
Khi bàn về văn hóa Việt Nam, nhiều người cho rằng đất nước với các biến cố lịch sử sâu sắc nên văn hóa bị đứt gãy, có nhiều lỗ hổng. Trong đó, có lỗ hổng giáo dục văn hóa trong nhà trường, nhưng lại rất khó để khắc phục.
Với vai trò là nhà nghiên cứu văn hóa, đồng thời là nhà giáo, TS Nguyễn Hùng Vỹ cho rằng: Quan niệm “lỗ hổng văn hóa” ở Việt Nam nằm ở hai phía. Phía thứ nhất là nó hổng so với kỳ vọng lớn lao của chúng ta. Kỳ vọng càng lớn, càng mang tính lý tưởng, tuyệt đối thì người ta sẽ thấy lỗ hổng càng lớn. Ví dụ, tôi kỳ vọng đoạt giải Nobel Vật lý nhưng giáo dục chưa đáp ứng điều đó cho tôi hoặc những người khác. Đó là “lỗ hổng”.
Tiếp đó là lỗ hổng trong thực tế mà đáng ra có thể lấp đầy. Ở đây, chung quy lại là sự chưa phong phú, chưa phồn vinh của “các giá trị văn hóa phổ quát toàn nhân loại” như nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, mỹ, thể… Và lỗ hổng trong nhà trường chính là chưa lấp đầy được lỗ hổng thực tế này.
Bởi vậy, theo ông Vỹ cách khắc phục lỗ hổng ấy như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nói: “Cần kiên trì chấn hưng văn hóa và phải bắt đầu từ giáo dục”.
Nhiều năm gắn bó với giảng đường, TS Nguyễn Hùng Vỹ hiểu rõ mối liên hệ giữa giáo dục với văn hóa và tác động của người thầy tới nhận thức văn hóa của học trò. Ông nói rằng, giáo dục là thực hành việc trao truyền, bày dạy kiến thức và phương cách, tạo cảm hứng sáng tạo từ thế hệ này sang thế hệ khác cái tổng thể văn hóa đó. Giáo dục có mối quan hệ sứ mạng, công năng với văn hóa. Người thầy tốt là người trao truyền tốt và truyền cảm hứng sáng tạo cho lớp sau.
Bác Hồ, năm 1943 từng viết: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về ăn, mặc, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó, tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn” (Hồ Chí Minh – Toàn tập. Tập 3. Tr. 458).
TS Nguyễn Hùng Vỹ cho hay, trong đời dạy học, ông chưa từng tham gia công việc quản lý ở một cấp độ nào nhưng dự nhiều cuộc họp, hội thảo về giáo dục. Bởi vậy, ý kiến của ông chỉ là một góc nhìn cá nhân và thấy rằng: Người thầy là quan trọng hàng đầu. Người thầy luôn phải rèn luyện phẩm chất của mình theo phương châm: Cách vật, trí tri, thành ý, chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.
“Hiểu nó trong tính phổ quát nhất: Tiếp cận quan sát tồn tại khách quan (cách vật); xây dựng kiến thức về tồn tại khách quan đó (trí tri); tạo nên kết quả phản ánh sự tồn tại đó một cách đúng đắn (thành ý); tư tưởng luôn luôn thẳng thắn, không thiên lệch, dao động (chính tâm); xây dựng cuộc sống của mình và gia đình trong sự tôn trọng, bình đẳng (tề gia); giúp cho quốc gia trị an (trị quốc), bằng với các nước phát triển và khiến họ tôn trọng mình (bình thiên hạ)”, nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vỹ giải thích.
Dạy và học trong nhà, dạy và học trong cuộc sống, dạy và học lẫn nhau, dạy và học ở nhà trường đều là giáo dục. Nhưng ngành Giáo dục với chức năng, trách nhiệm xã hội của nó là tiêu điểm và “bắt đầu” từ đó. “Bắt đầu” không phải là khởi phát đầu tiên, mà là hàng đầu trong kế sách văn hóa. Nhiệm vụ dạy học là trọng tâm của trao truyền văn hóa. - TS Nguyễn Hùng Vỹ