Xét tuyển bằng học bạ có đảm bảo công bằng?
Thầy Nguyễn Văn Lực, giáo viên Trường THCS Trịnh Phong (Diên Khánh, Khánh Hoà) từng nhiều lần kiến nghị bỏ phương án xét tuyển đại học bằng học bạ và cho rằng, việc kiểm tra đánh giá giữa các trường thiếu sự đồng đều, dù Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) có Thông tư 26 và Thông tư 58, hướng dẫn kiểm tra đánh giá học sinh, nhưng khi kiểm tra thường xuyên, nhất là kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ, mỗi trường ra đề dễ, khó khác nhau… nên điểm số học bạ cũng có sự khác nhau giữa các trường. “Điểm số không phải là thước đo năng lực thực tế duy nhất của học sinh được thể hiện trong học bạ”, thầy Lực nói.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cũng đồng tình với quan điểm như trên. Ông Lâm cho hay, hiện nay nhờ có tấm “phao cứu sinh” xét tuyển bằng học bạ, nhiều em yên tâm hơn trong các kỳ thi tuyển sinh vào đại học. Có những học sinh dù học lực yếu, hoặc hạn chế về nhiều mặt nhưng vẫn rất tự tin để tham gia xét tuyển và chắc suất đỗ đại học.
Ông Lâm bày tỏ quan ngại vì cho rằng, một khi các em được cho điểm dễ dàng, các em sẽ không cố gắng hết mình trong học tập, tâm lý được người lớn giúp đỡ sẽ khiến các em luôn trông chờ, không có được sự chủ động. Do đó, có thể nói xét tuyển bằng điểm học bạ là phương thức có độ tin cậy thấp nhất và thiếu tính công bằng nhất đến thời điểm hiện tại.
“Nắm bắt được tâm lý chung của nhiều học sinh muốn xét tuyển bằng học bạ, các trường đã tạo điều kiện để học sinh của mình không bị thiệt thòi, đồng thời giáo viên cũng nới lỏng tay khi chấm điểm hơn. Việc đánh giá, cho điểm học sinh hoàn toàn nằm trong tay nhà trường nên dựa vào điểm tổng kết trong học bạ làm căn cứ tuyển sinh đại học sẽ giúp cho nhà trường có thành tích tốt hơn, thầy cô giúp được học trò đỗ đạt vào các trường đại học, cao đẳng thì được đánh giá là hoàn thành nhiệm vụ. Chính vì vậy, xu hướng xin điểm, tạo ra học bạ đẹp ngày càng phổ biến trong nhà trường. Đã đến lúc cần nghiêm túc xem xét lại việc xét tuyển học bạ tràn lan như hiện nay. Theo tôi, cần loại bỏ tiêu chí xét tuyển học bạ ra khỏi việc xét tuyển đại học”, TS Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.
Thêm tiêu chí, siết chất lượng tuyển sinh đầu vào
Ông Đỗ Đức Linh, Cán bộ phòng Khảo thí của Trường Đại học Hải Phòng cho biết, các trường đại học cần có thêm các tiêu chí đánh giá, các bài thi khác để đánh giá chính xác hơn chất lượng đầu vào. Học bạ chỉ là điều kiện cần để đánh giá cả một tiến trình học tập và phát triển năng lực của học sinh.
“Tôi quan sát có nhiều học sinh được tuyển vào bằng học bạ với số điểm rất cao nhưng sau khi học tập một thời gian tại bậc đại học thì lực học yếu và giảm sút rất nhiều. Do đó, các trường nên có hình thức tổ chức, đưa ra hình thức xét tuyển hợp lý để tạo sự công bằng. Đồng thời, đối với môi trường học tập bậc THPT, tôi mong rằng thầy cô sẽ đề cao tiêu chí “dạy thật, học thật, chấm điểm công tâm”, phản ánh đúng năng lực của mỗi học sinh.
Phụ huynh học sinh cần thấu hiểu cho giáo viên, đôi khi những mong muốn về thành tích của con em phụ huynh đặt ra cũng khiến cho giáo viên bối rối và tạo ra những giá trị chưa thật sự xứng đáng với lực học của các em. Nếu các giá trị thật được tôn trọng, mọi sự dối trá, tiêu cực, thành tích ảo tự khắc sẽ bị bài trừ”, ông Linh nói.
Trước đó, cử tri tỉnh Thanh Hoá đã có kiến nghị về việc nghiên cứu bỏ xét tuyển đại học bằng học bạ. Cử tri cho rằng, nhiều tiêu cực nảy sinh để “chạy điểm”, “làm đẹp” học bạ ở các trường THPT.
Về vấn đề này, Bộ trưởng GDĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, Luật Giáo dục đại học năm 2018 cho phép các trường đại học tuyển sinh bằng các hình thức thi tuyển, xét tuyển, hoặc kết hợp cả hai nên dù điểm học bạ có được sử dụng để xét tuyển đại học hay không, các trường THPT phải có trách nhiệm, biện pháp đảm bảo tin cậy, công bằng, đánh giá đúng kết quả của người học.