Đầu tháng 6, Vũ Nguyễn Nguyên Anh, lớp 12 Hóa, trường THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng, dậy sớm tập thể dục, học online ôn thi tốt nghiệp THPT. Đến chiều, nữ sinh tranh thủ tham gia các khóa học online để lấy chứng chỉ trong mùa hè này, đọc thêm tài liệu khoa học.
Nguyên Anh là "con nhà nòi" về khoa học tự nhiên khi bố mẹ đều là tiến sĩ Hóa học. Lúc nhỏ, em học đều các môn Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh và góp mặt trong nhiều cuộc thi học sinh giỏi. Đến khi được học Hóa năm lớp 8, nữ sinh nhanh chóng bị thu hút dù bố mẹ không hề thúc ép. Nguyên Anh quyết định rẽ hướng, trúng tuyển top đầu lớp Hóa, trường THPT chuyên Trần Phú.
Trải nghiệm làm khoa học đầu tiên của Nguyên Anh là việc đăng ký tham dự cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp thành phố với đề tài "Sự bùng nổ của hiện tượng thích mạo hiểm ở thanh thiếu niên - Tác động của nó lên vỏ não và hệ thống limbic". Kết quả, em giành giải nhất. Tuy không liên quan đến Hóa học hay các lĩnh vực tự nhiên vốn là thế mạnh, đề tài khoa học xã hội hành vi này đã khơi dậy niềm đam mê khoa học, đưa Nguyên Anh thử sức với ý tưởng phức tạp hơn.
Học kỳ II năm lớp 10, khi đọc bài báo học thuật, Nguyên Anh biết trong tảo, thức ăn của nhiều sinh vật biển, có chứa axit domoic. Độc tố này có thể gây tổn thương đến não của các sinh vật biển nếu chúng ăn phải tảo bị nhiễm độc. Khi con người ăn phải hải sản nhiễm độc axit domoic, não và thận có thể bị gây hại.
Cơ thể người và động vật không thể trực tiếp sản xuất kháng thể chống lại axit domoic vì độc tố này có trọng lượng phân tử thấp và hapten. Nữ sinh chuyên Hóa cùng vài người bạn lên kế hoạch nghiên cứu đề tài "Phát triển kit Elisa từ độc tố axit domoic" nhằm xét nghiệm lượng chất độc này trong sinh vật biển, từ đó tạo ra hiệu ứng miễn dịch với axit domoic ở người vả hải sản.
Nguyên Anh phải tìm kiếm nhiều nguồn tài liệu nước ngoài, các nghiên cứu và báo cáo liên quan đã được thực hiện trước đó. Lần đầu tiếp cận với những tài liệu hàn lâm, lại toàn bằng tiếng Anh, em không thể hiểu hết. Nhiều tối, nữ sinh phải thức đến 1-2h sáng vừa đọc, vừa tra cứu từ chuyên ngành. "Những lúc như thế có thể chẳng thu được cái mình cần, nhưng em vẫn phải đọc tiếp vì sợ bỏ sót tài liệu", Nguyên Anh kể.
Làm khoa học cần thực nghiệm, nhưng Nguyên Anh và bạn bè không có sẵn thiết bị, phải tìm mua từ nước ngoài. May mắn, em được một số anh chị giúp đỡ về dụng cụ, hóa chất cần thiết. Không đủ điều kiện thực hiện dự án tại Hải Phòng nên hàng tuần em cùng giáo viên lên Hà Nội để thực nghiệm nghiên cứu và xin ý kiến từ giáo sư chuyên ngành. "Lúc đó, em thiếu thốn về cả tài chính và cơ sở vật chất nên việc theo đuổi nghiên cứu rất vất vả", Nguyên Anh nhớ lại.
Nữ sinh dành hầu hết thời gian học tập, làm việc ở nhà cô giáo để tiện gặp mặt các thành viên trong nhóm nghiên cứu, liên tục di chuyển giữa Hà Nội - Hải Phòng. Có thời gian, em bị đau dạ dày, hay mệt mỏi. Thấy con gái vất vả, mất sức nhiều, bố mẹ lo lắng nhưng Nguyên Anh xin "cho con làm nốt".
Sau nhiều tháng nghiên cứu, Nguyên Anh và nhóm bạn đạt được khoảng 80% mục tiêu ban đầu. Tuy còn vài chỗ chưa thật sự chỉn chu, nhóm học sinh vẫn quyết định mang tham dự Triển lãm Công nghệ, Sáng tạo, Phát minh, Sở hữu trí tuệ quốc tế được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan (Bangkok International Intellectual Property, Invention, Innovation and Technology Exposition) và Triển lãm sáng chế quốc tế "Inventica 2019" tổ chức tại Rumani năm 2019.
Kết quả, nghiên cứu của học sinh chuyên Trần Phú giành huy chương vàng tại cuộc thi ở Thái Lan và nhận chứng chỉ thành tích xuất sắc trong triển lãm ở Rumani. "Thực lòng trước khi thi, em không nghĩ nhiều đến giải. Mục đích của em khi tham dự các sự kiện này là để được tiếp cận với sáng chế, nghiên cứu hay từ bạn bè các nước. Mỗi chuyến đi đều rất xứng đáng", Nguyên Anh nói.
Cô Nguyễn Thị Hải Lý, giáo viên trường THPT chuyên Trần Phú, là người trực tiếp hướng dẫn Nguyên Anh trong những dự án nghiên cứu khoa học. Cô giáo ấn tượng ngay với nữ sinh khi đăng ký tham gia câu lạc bộ nghiên cứu khoa học của trường vào năm lớp 10. "Nguyên Anh cá tính, có đam mê và bản lĩnh khoa học thật sự. Một khi đã làm gì, em sẽ rất chăm chỉ và quyết tâm theo đuổi", cô Lý chia sẻ.
Ngoài những sự kiện về khoa học kỹ thuật, nữ sinh còn là đại diện Việt Nam tham gia Diễn đàn Asian and Oceanian High School students’ Forum 2019 dành cho học sinh THPT các nước châu Á - Thái Bình Dương được tổ chức tại Wakayama, Nhật Bản, để bàn luận về các chủ đề nóng trên toàn cầu như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường... và đưa ra giải pháp khắc phục.
Nguyên Anh cho rằng, hầu hết kỹ năng mình đang có, từ việc trình bày văn bản, sử dụng excel đến khả năng lãnh đạo, làm việc nhóm đều nhờ quá trình tìm tòi, nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, vì sức khỏe bị ảnh hưởng nhiều trong quá trình nghiên cứu, đồng thời thiếu kinh phí duy trì, Nguyên Anh quyết định tạm gác đam mê này để theo đuổi lĩnh vực Quản trị kinh doanh.
Chia sẻ về quyết định này, nữ sinh thấy rằng Việt Nam có nhiều phát minh giá trị nhưng chưa được khai thác hợp lý để ứng dụng vào đời sống. Tương tự, nhiều sản phẩm khoa học thú vị được sử dụng phổ biến ở nước ngoài, nhưng lại chưa được áp dụng ở Việt Nam. "Em muốn trở thành cầu nối giữa sáng kiến, nghiên cứu khoa học với thực tiễn, giúp cuộc sống mọi người dễ dàng hơn, đồng thời hỗ trợ các nghiên cứu có giá trị được khai thác hợp lý. Nếu có cơ hội, em cũng muốn mang sáng chế của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế", Nguyên Anh nói.
Với thành tích nghiên cứu khoa học, ngoại khóa dày dặn, điểm học tập luôn từ 9,4 trở lên, bài luận cùng phần phỏng vấn ấn tượng, Nguyên Anh giành học bổng 90% của Viện Kinh doanh Quản trị, Đại học VinUni. "Trong tương lai, bên cạnh việc theo đuổi chuyên ngành kinh doanh, nếu có cơ hội, em sẽ tiếp tục theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học, hoàn thiện các nghiên cứu còn dang dở để sản phẩm có giá thành thấp và đạt hiệu quả cao hơn", nữ sinh nói.