Xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá cụ thể
“Xây dựng trường mầm non hạnh
phúc, tôn trọng quyền trẻ em” là chủ đề năm học 2023-2024
được Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD-ĐT) chỉ đạo thực
hiện. Để cụ thể hóa các tiêu chí trường học hạnh phúc, tháng 10-2023, Sở GD-ĐT
ban hành Bộ tiêu chí đánh giá “Trường mầm non hạnh phúc, tôn trọng quyền trẻ
em” với 3 trụ cột là Trẻ em hạnh phúc - Giáo viên hạnh phúc - Cha mẹ học sinh hạnh
phúc cùng 3 tiêu chí cốt lõi: Yêu thương - An toàn - Tôn trọng để các nhà trường
có căn cứ thực hiện. Trưởng phòng Giáo dục mầm non Vương Thị Đào (Sở GD-ĐT) nêu
rõ, các tiêu chí được phân loại rõ ràng với thang điểm cụ thể. Chẳng hạn, trong
tiêu chí Trẻ em hạnh phúc, để bảo đảm tất cả trẻ đều được đối xử công bằng, được
tôn trọng, đặt ra yêu cầu giáo viên, nhà trường phải tôn trọng sự đa dạng, đặc
điểm và giá trị riêng của trẻ; mọi trẻ trong trường lớp đều được bình đẳng về
cơ hội học tập và giáo dục... Cùng với đó, trẻ phải được bảo vệ bí mật cá nhân
và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ. Hay trong tiêu chí Cha mẹ hạnh
phúc, yêu cầu nhà trường phải có phòng/góc/kênh tư vấn, hỗ trợ các bậc cha mẹ;
phân công nhân sự phụ trách, quản lý và tổ chức các hoạt động tư vấn, hỗ trợ
cha mẹ trẻ, tiếp nhận những ý kiến đóng góp để có biện pháp điều chỉnh phù hợp,
kịp thời.
Theo cô Đặng Thanh Giang, Hiệu trưởng mầm non Đặng Cương, việc Sở GD-ĐT xây
dựng Bộ tiêu chí rất thuận lợi cho các nhà trường trong việc rà soát tiêu chí
nào đã đạt, tiêu chí nào cần giải pháp thực hiện để bảo đảm triển khai có trọng
tâm, trọng điểm, đúng định hướng. Đồng tình với quan điểm trên, cô Đặng Thị
Sen, Hiệu trưởng Trường mầm non Vạn Hương (quận Đồ Sơn) cho rằng, xây dựng trường
mầm non hạnh phúc là mục tiêu các nhà trường đều hướng tới và trên thực tế, nhiều
trường đã tổ chức thực hiện với mức độ và hình thức khác nhau. Việc Bộ tiêu chí
đánh giá chính thức được áp dụng từ năm học 2023-2024 sẽ giúp các trường trên địa
bàn thực hiện thống nhất, bài bản, tránh tình trạng mạnh trường nào trường ấy
làm, qua đó bảo đảm công bằng trong giáo dục cho mọi trẻ.
Hướng tới trường học hạnh phúc bền vững
Căn cứ Bộ tiêu chí của Sở GD-ĐT, Ban giám hiệu các nhà trường quán triệt tới
toàn đơn vị; rà soát xem tiêu chí nào đã đạt, tiêu chí nào cần giải pháp thực
hiện. Theo Hiệu trưởng Trường mầm non Đặng Cương (huyện An Dương) Đặng Thanh
Giang, để trẻ hạnh phúc khi đến trường, nhà trường không chỉ quan tâm chăm sóc
sức khoẻ mà còn chú ý bảo đảm tuyệt đối an toàn cho trẻ, kiểm soát an toàn thiết
bị, đồ dùng, đồ chơi, nhất là các ổ điện, nơi cất ghế. Ngoài ra, trường còn chú
trọng đời sống tinh thần với mỗi sáng tới lớp, các bé được “nạp năng lượng tích
cực”, đón nhận tình cảm yêu thương, vui vẻ qua hình thức chào dễ thương của
giáo viên... Trong công việc hàng ngày, giáo viên cũng sát sao hơn việc ăn, ngủ,
sinh hoạt của từng bé. Cô Phạm Thị Thanh Hải, giáo viên lớp 3 tuổi C4, bày tỏ:
Các bé còn nhỏ, chưa tự ý thức giữ gìn sức khỏe. Cháu nào ho ốm cô nghe cũng
xót như con mình... Chính sự yêu thương chăm lo của cô nên các bé trong lớp bảo
đảm sức khỏe, đi học đều, thích đến lớp vì được tham gia nhiều hoạt động vui
chơi với bạn và cô...
Với Trường mầm non Sao Mai (huyện Cát Hải), để xây dựng trường học hạnh
phúc, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao của tất cả các bậc cha mẹ, lãnh đạo nhà
trường tổ chức đối thoại lắng nghe tâm tư, đề xuất của gia đình cũng như trao đổi
những mong muốn của nhà trường. Ngoài tìm “tiếng nói chung” với gia đình, nhà
trường xác định một trong những yếu tố then chốt xây dựng trường học hạnh phúc
chính là đội ngũ giáo viên. Thầy cô hạnh phúc mới lan tỏa tới học sinh và ngược
lại. Để động viên đội ngũ giáo viên, nhà trường quan tâm đến quyền lợi, bảo đảm
các chế độ phụ cấp; phân công chuyên môn đúng người, đúng việc; đẩy mạnh thi
đua, khen thưởng; tăng cường kết nối với gia đình giáo viên để mọi người hiểu,
thông cảm công việc và tạo điều kiện để giáo viên mầm non thực hiện tốt nhiệm vụ...
Theo Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Thị Hòa, “xây dựng trường mầm non hạnh phúc,
tôn trọng quyền trẻ em” không chỉ là chủ đề năm học, thực hiện trong năm học
2023-2024 mà còn là nhiệm vụ thường xuyên của mỗi nhà trường trong những năm học
tiếp theo. Thực tiễn triển khai sẽ xuất hiện những mô hình, cách làm hay được
nhân rộng; đồng thời tìm giải pháp tháo gỡ những vướng mắc nảy sinh để từ đó
nhìn nhận, đánh giá Bộ tiêu chí mà Sở GD-ĐT xây dựng phù hợp chưa, cần điều chỉnh,
bổ sung gì để việc triển khai những năm tiếp theo hiệu quả, bảo đảm tính thực
chất. Qua đó hướng tới mục tiêu xây dựng thành công trường học hạnh phúc - nơi
tất cả các thành viên trong môi trường ấy được thực sự vui vẻ, hạnh phúc./.
Trường mầm non hạnh phúc mang đến niềm vui, sự háo hức của trẻ em mỗi ngày đến trường (Ảnh: Các bé trường mầm non An Đồng 1 trong một hoạt động giáo dục)
Xây dựng trường mầm non hạnh phúc cần sự đồng hành của gia đình với nhà trường trong chăm sóc, giáo dục trẻ (Ảnh: Cha mẹ và bé trường mầm non Đặng Cương, huyện An Dương cùng tham gia hoạt động vui chơi).
Trường mầm non hạnh phúc mang đến niềm vui, sự háo hức của trẻ em mỗi ngày đến trường (Ảnh: Niềm vui của các bé trường mầm non Đặng Cương, huyện An Dương trong Ngày hội thể thao)
Trường mầm non hạnh phúc mang đến niềm vui, sự háo hức của trẻ em mỗi
ngày đến trường (Ảnh: Các bé Trường
mầm non Đặng Cương, huyện An Dương thi tài trong Ngày hội thể thao).