Điểm cầu thành phố Hải Phòng.
Các đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên TW Đảng, Trưởng ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì Hội nghị. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành đoàn thể Trung ương.
Dự và chủ trì tại điểm cầu thành phố Hải Phòng có Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam, lãnh đạo các Sở, ngành, đoàn thể liên quan.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam chủ trì tại điểm cầu thành phố Hải Phòng.
Văn hóa học đường là môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ, những năm qua công tác xây dựng văn hóa học đường đã có nhiều chuyển biến tích cực, tạo niềm tin cho xã hội về chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số bộ phận học sinh, sinh viên, nhà giáo biểu hiện lệch chuẩn về đạo đức, lối sống văn hóa, hành vi ứng xử trên bình diện xã hội và môi trường học đường…
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định, văn hoá nói chung và văn hoá học đường nói riêng luôn là vấn đề được Đảng, Quốc hội và Chính phủ quan tâm, chỉ đạo. Gần đây nhất ngày 1/6/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hoá học đường. Chỉ thị là cơ sở, căn cứ tạo ra những chuyển biến tích cực về văn hóa học đường trong thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, Văn hóa học đường chính là nền tảng để thúc đẩy, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, vì sự phát triển văn hóa, con người, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới và xu thế hội nhập quốc tế. Xây dựng văn hóa học đường là một nội dung quan trọng để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Để thực hiện tốt công tác xây dựng văn hoá học đường, đồng chí Trần Thanh Mẫn đề nghị cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và toàn ngành Giáo dục cần tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, vai trò quan trọng của xây dựng văn hoá học đường và kiên trì tổ chức thực hiện, phấn đấu đạt các mục tiêu đề ra.
Tại Hội nghị, các tham luận đã tập trung đánh giá những thực trạng và đề xuất các giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường, điển hình như: việc xây dựng văn hóa học đường góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; công tác chỉ đạo triển khai của Đoàn, Hội, Đội về các giải pháp phối hợp với ngành giáo dục trong nhiệm xây dựng văn hóa học đường; định hướng của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch để phối hợp triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường; xây dựng hệ giá trị văn hóa cần hình thành trong học sinh phổ thông Việt Nam trong giai đoạn mới…