Dự hội nghị có Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ GDĐT, lãnh đạo, chuyên viên 63 Sở GDĐT.
Nhiều nhiệm vụ quan trọng được triển khai hiệu quả
Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2023- 2024 đối với cấp tiểu học, Vụ trưởng Vụ giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài cho biết: Năm học 2023-2024 toàn quốc có 14.545 cơ sở giáo dục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học, với 15.268 điểm trường. Tổng số học sinh tiểu học là 8.919.198 (giảm 313.518 học sinh so với năm học trước).
Quang cảnh hội nghị
Đến hết năm học 2023-2024, tỉ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học chiếm 98,17% đã phản ánh thực chất chất lượng giáo dục nói chung trên bình diện toàn quốc.
Theo Vụ trưởng Thái Văn Tài, năm học vừa qua, Bộ GDĐT đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 25/12/2023 về việc tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông.
Những năm qua, các địa phương đã chú trọng rà soát, quy hoạch mạng lưới trường, lớp phù hợp hơn cho việc trẻ em đến trường; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học giúp các cơ sở giáo dục ngày càng được hoàn thiện và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học.
Thời điểm này, cả nước có 63/63 tỉnh, thành phố duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, đạt tỷ lệ 100%. Các địa phương đã không ngừng chú trọng phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục hướng đến đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu và đáp ứng yêu cầu về chất lượng, chuẩn bị tốt nguồn nhân lực cho việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học.
Bên cạnh đó, tăng cường tập huấn nâng cao năng lực quản lý và tổ chức dạy học học tích cực cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục để triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài báo cáo tại hội nghị
Mặc dù gặp nhiều khó khăn về tổ chức dạy học, nhưng nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, sự chủ động của các nhà trường, sự nhiệt tình, trách nhiệm của đội ngũ giáo viên, kết quả học tập của học sinh qua đánh giá và kiểm tra định kỳ cuối học kỳ được duy trì ổn định, chất lượng giáo dục của học sinh lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 4 được đảm bảo.
100% các nhà trường đã tổ chức dạy học Ngoại ngữ 1 bắt buộc ở lớp 3 và lớp 4, trong đó có một tỷ lệ nhỏ là các ngoại ngữ khác (chiếm khoảng 0,1%). 100% học sinh lớp 3, 4 được học môn Tin học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cơ bản đảm bảo về chất lượng theo yêu cầu cần đạt của Chương trình.
Trên cơ sở Chương trình giáo dục phổ thông 2006, các Sở GDĐT giao quyền chủ động cho các trường tiểu học xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục đối với lớp 5 theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh để chủ động tiếp cận với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đến nay, các cơ sở giáo dục đã hoàn thành chương trình, kế hoạch dạy học đối với lớp 5 và đạt được mục tiêu đề ra.
Về thực hiện chuyển đổi số, đến nay, công tác tổ chức thực hiện thí điểm học bạ số cấp tiểu học đã và đang được toàn ngành triển khai thực hiện theo lộ trình. 63 Sở GDĐT đã hoàn thành việc tạo học bạ dưới dạng số và sẵn sàng kết nối về Bộ GDĐT.
Năm học 2023-2024, Bộ GDĐT tổ chức sơ kết 2 năm triển khai “Kế hoạch giai đoạn 2 thực hiện Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025 trên cơ sở tiếng mẹ đẻ”. Theo đó, nhiều Sở GDĐT đã chủ động, tích cực tham mưu với UBND tỉnh xây dựng kế hoạch, đầu tư nguồn kinh phí và cơ sở vật chất tạo điều kiện cho các nhà trường triển khai hiệu quả các giải pháp tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số đáp ứng yêu cầu Chương trình phổ thông 2018 .
Đại diện các Sở GDĐT trao đổi tại hội nghị
Năm học 2024-2025, giáo dục tiểu học sẽ tập trung thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018; tăng cường bảo đảm an toàn trường học; thực hiện hiệu quả phân cấp quản lý gắn với trách nhiệm giải trình trong tổ chức thực hiện kế hoạch năm học theo quy định và phù hợp với thực tiễn tại địa phương.
Đồng thời, chú trọng thực hiện quy hoạch phát triển mạng lưới trường, lớp và đảm bảo cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; Tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý; đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học; tiếp tục thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát theo thẩm quyền; phát động, tổ chức các phong trào thi đua, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong công tác dạy học.
Tại hội nghị, đại diện các Sở GDĐT các tỉnh, thành phố đã trình bày tham luận, nêu ý kiến đóng góp, kiến nghị đối với các vấn đề triển khai biên soạn tài liệu giáo dục địa phương; thực hiện thí điểm học bạ số; tăng cường triển khai dạy tiếng Việt trước khi vào lớp 1 đối với trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, một số khó khăn liên quan đến in ấn, phát hành tài liệu giáo dục địa phương; khó khăn về nền tảng kỹ thuật, kinh phí, kinh nghiệm triển khai học bạ số… đã được địa phương chia sẻ với mong muốn sẽ có giải pháp từ Bộ GDĐT, các Bộ, ngành liên quan.
‘‘Chăm chút’’, đánh giá chặt chẽ hơn nữa cho đầu vào giáo dục phổ thông
Phát biểu chia sẻ tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn ghi nhận, biểu dương những cố gắng của giáo dục tiểu học, dù nhiều khó khăn, nhưng đã đạt kết quả đáng khích lệ trong năm học 2023-2024.
Qua lộ trình 4 năm triển khai Chương trình phổ thông 2018, năm nay là năm thứ năm, cũng là năm kết lại chương trình. Chặng đường đi qua rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng ở bậc tiểu học, Bộ trưởng cho rằng, cần quan tâm đến chất lượng đầu vào của giáo dục phổ thông, cụ thể là lớp 1.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị
“Trong 12 năm học phổ thông, dường như chúng ta chú ý nhiều hơn đến kiểm soát “đầu ra”, dành nhiều thời gian, công sức cho tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT, mà chưa thực sự quan tâm một cách tương xứng với “đầu vào” là chăm chút, hỗ trợ cho học sinh lớp 1”, chia sẻ điều này, Bộ trưởng lưu ý cần bảo đảm tỷ lệ huy động trẻ đến trường; chuẩn bị Tiếng Việt cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số trước khi vào tiểu học; chuẩn bị các điều kiện về mọi mặt để hỗ trợ tốt nhất học sinh vào lớp 1… Để làm sao thực hiện đồng thời và hiệu quả hai công việc: Chăm chút cho đầu vào và đánh giá chặt chẽ, nghiêm túc đầu ra.
Đề cập tới việc triển khai dạy học Ngoại ngữ, Tin học bắt đầu từ lớp 3, Bộ trưởng đánh giá đây là cố gắng và đổi mới rất lớn, là điều kiện để chuẩn bị cho những công dân số, kỹ năng số. Cùng với đó là các môn Âm nhạc, Mỹ thuật giúp thay đổi về chất trong giáo dục; tăng cường cảm xúc thẩm mĩ, tố chất văn hóa, gia tăng chất lượng giáo dục con người một cách toàn diện theo chiều sâu.
Tuy nhiên, Bộ trưởng đánh giá việc tổ chức dạy học Tin học, Ngoại ngữ, Âm nhạc, Mỹ thuật cũng còn nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề đội ngũ và thực hiện ở vùng sâu, vùng xa. Hiện nay, nhiều giải pháp được triển khai, trong đó có việc ứng dụng công nghệ thông tin để giáo viên địa phương này có thể hỗ trợ địa phương thiếu giáo viên khác. Nhưng các tỉnh khó khăn cần áp dụng một cách chủ động và tích cực hơn, có kế hoạch để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ngay trên địa bàn của mình - đây mới là giải pháp lâu dài.
Việc chuẩn bị đội ngũ, nhất là với môn Âm nhạc, Mỹ thuật cần thực hiện một cách bền vững, lâu dài và mục tiêu đặt ra trong Chương trình có thể chưa đáp ứng được ngay, nhưng cần từng bước triển khai.
Theo Bộ trưởng, năm học 2024-2025 có nhiều hoạt động mang tính chất tổng kết đối với các cấp học, trong đó có cấp tiểu học; như sau khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với lớp 5, cần đánh giá lại quá trình thực hiện, từ hệ thống sách giáo khoa đến phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá… Từ đó bước vào giai đoạn đổi mới theo chiều sâu được tốt hơn.
Đặc biệt nhấn mạnh đến giáo dục đạo đức, lòng yêu nước, bồi dưỡng nhân cách, phát triển con người, Bộ trưởng yêu cầu thực hiện nghiêm túc hoạt động chào cờ, hát Quốc ca trong cả học sinh và thầy cô. Học sinh cần thuộc Quốc ca của đất nước. Cùng với đó, dạy học sinh nhuần nhuyễn và vận dụng thật tốt 5 điều Bác Hồ dạy.
Trước nhiều ý kiến từ địa phương đề cập đến học bạ điện tử, Bộ trưởng chia sẻ, đây là việc rất cần thiết, cũng là công việc mới nên ban đầu có một vài việc hiểu chưa thống nhất, cách làm đôi lúc lệch nhau là khó tránh khỏi; tuy nhiên phải quyết tâm làm và tăng cường trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Về nội dung này, Bộ trưởng cũng lưu ý tới vấn đề bảo mật dữ liệu.
Cùng với mầm non, tiểu học là bậc học có tỷ lệ trường lớp chưa kiên cố hóa cao nhất. Do đó, Bộ trưởng đề nghị các Sở GDĐT cần tận dụng cơ hội nếu có một chương trình đầu tư công nhằm tăng cường cơ sở vật chất để kiên cố hóa, tiến tới hiện đại hóa.
Thực hiện giải pháp thu hút học sinh, tạo cho các em niềm vui đến trường
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đánh giá: Năm học vừa qua, với sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của toàn ngành, giáo dục tiểu học đã đạt được kết quả khá toàn diện. Trong đó, một số điểm sáng phải kể đến là công tác chuyển đổi số; công tác thẩm định, phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương; việc tổ chức chỉ đạo dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; công tác tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong quản lý, dạy và học; thực hiện quản trị, quản lý nhà trường ở bậc tiểu học…
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu kết luận hội nghị
Nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục tiểu học, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng lưu ý những nội dung cần quan tâm trong thời gian tới. Trong đó, Vụ Giáo dục Tiểu học ghi nhận, tiếp thu ý kiến của lãnh đạo Bộ, các địa phương, hoàn thiện dự thảo hướng dẫn nhiệm vụ năm học và trình lãnh đạo Bộ xem xét, ban hành để các địa phương làm căn cứ triển khai hướng dẫn nhiệm vụ năm học.
Đối với các Sở GDĐT, Thứ trưởng nhấn mạnh các yêu cầu về đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục; tập trung nâng cao chất lượng phổ cập các cấp học, duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học; khắc phục ngay những hạn chế đã được chỉ ra trong báo cáo và trong quá trình thực hiện; tập trung nâng cao chất lượng dạy học; thực hiện đồng bộ các giải pháp quan tâm, thu hút học sinh, tạo cho các em niềm vui đến trường, bắt đầu từ học sinh lớp 1.
Với mỗi thầy cô giáo, cần nâng cao chất lượng dạy học, bằng cách thường xuyên giao lưu, trao đổi học tập; thành lập các câu lạc bộ, diễn đàn trao đổi để khắc phục những lúng túng, bỡ ngỡ ban đầu trong triển khai chương trình. Điều này đã được thực hiện tốt tại nhiều địa phương.
“Để thực hiện tốt, chúng ta phải xác định rất rõ đặc điểm của học sinh tiểu học, đặc điểm của cán bộ, giáo viên tiểu học. Bởi mỗi vùng miền, mỗi học sinh khác nhau có những đặc điểm khác nhau, đó là bức tranh hết sức sinh động, cần thầy cô giáo tiểu học có những kỹ năng đặc thù. Đó là tính kiên trì, nhẫn nại, vừa “dạy” vừa “dỗ”, vừa hướng dẫn”, Thứ trưởng chia sẻ.
Thứ trưởng đề nghị các Sở GDĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục trường thực hiện nghiêm túc, đầy đủ 3 công khai trong giáo dục, đặc biệt là thực hiện chế độ chính sách cho học sinh phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chế độ của học sinh bán trú ở các trường, an toàn trường lớp, an toàn vệ sinh thực phẩm…
Cùng với đó, các địa phương cần tích cực phát động, xây dựng các phong trào thi đua, nhưng phải phù hợp điều kiện thực tiễn của từng trường và từng địa phương, không gây ra áp lực, không tạo ra bệnh thành tích.
Chia sẻ với sự khó khăn, vất vả của các thầy cô giáo, Thứ trưởng bày tỏ: Với ngành GDĐT liên quan đến con người, liên quan đến kiến thức, đến số đông, nên không thể không có nhiều cái khó. Điều đó cần sự đổi mới, sự kiên trì, kỹ năng, kiến thức, và cần nhiều tâm huyết của các thầy cô.