Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn thông tin tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2023 – chiều 3/6. Thứ trưởng chia sẻ những lo lắng của phụ huynh về sách giáo khoa các lớp 4, 8, 11.
Theo Thứ trưởng, một phần là do một số địa phương năm nay chọn sách chậm, trong đó có nguyên do là chờ phê duyệt giá. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các địa phương đã phê duyệt đầy đủ các loại sách.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã nhiều lần làm việc với Nhà xuất bản Giáo dục để tháo gỡ khó khăn. Đồng thời, chỉ đạo xây dựng kế hoạch xuất bản sách giáo khoa, trước hết là với những đầu sách dành cho các lớp 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9, 10, 12.
Với những lớp này, việc in ấn sách được chủ động từ trước và đã hoàn thành. Năm học 2023 – 2024, riêng với lớp 4, lớp 8, lớp 11 sẽ sử dụng sách giáo khoa mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Cho đến hôm qua (2/6), việc in ấn đã được khoảng 80% số sách.
Hiện nhà xuất bản đã lên kế hoạch tổ chức in ấn cho 20% sách còn lại và sẽ dựa trên cơ sở nhu cầu của các địa phương. Như vậy, việc in ấn sách giáo khoa sẽ hoàn thành đầy đủ, bảo đảm đủ số lượng cho việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.
|
Trong tháng 6 in khoảng 80% sách giáo khoa lớp 4, 8, 11.
|
Liên quan đến việc Bộ GD&ĐT có hay không biên soạn một bộ sách giáo khoa, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn trao đổi, theo Nghị quyết số 122/2020/QH14 kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV của Quốc hội, khi thực hiện biên soạn sách giáo khoa theo phương thức xã hội hóa, nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất một sách giáo khoa được thẩm định, phê duyệt theo quy định thì không triển khai biên soạn sách giáo khoa sử dụng ngân sách Nhà nước của môn học đó.
Đến nay, sách giáo khoa của 9/12 lớp đã được phê duyệt và đều có 3 bộ sách giáo khoa/môn học cụ thể. Trong tháng 6 sẽ tiếp tục thẩm định và phê duyệt 3 sách giáo khoa cho lớp 5, 9, 12. Như vậy, Bộ GD&DT sẽ thực hiện nghiêm Nghị quyết số 122/2020/QH14 của Quốc hội. “Hiện chưa có chỉ đạo của cấp có thẩm quyền nào về việc Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa” – Thứ trưởng nói.
Bộ GD&ĐT không tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa (sử dụng ngân sách Nhà nước) vẫn bảo đảm có đủ sách giáo khoa triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Quốc hội tại Nghị quyết số 122 nêu trên; đồng thời, tạo môi trường thuận lợi hơn cho việc xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa và cạnh tranh bình đẳng giữa các Nhà xuất bản theo quy định bình ổn giá sách giáo khoa của Nhà nước.