Tham dự Hội thảo, về phía Sở GDĐT có đồng chí Bùi Văn Kiệm – Giám đốc Sở GDĐT, đồng chí Đỗ Văn Lợi – Phó Giám đốc Sở GDĐT, các đồng chí lãnh đạo chuyên viên phòng Giáo dục trung học. Về phía quận Kiến An, có đồng chí Nguyễn Phong Doanh, Phó chủ tịch thường trực UBND quận, các đồng chí lãnh đạo chuyên viên Phòng GDĐT quận Kiến An.
Đồng chí Đỗ Văn Lợi - Phó Giám đốc Sở GDĐT phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo chuyên đề, đồng chí Đỗ Văn Lợi đánh giá cao mục đích của Chuyên đề: đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Hiện nay, đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Đồng thời, đồng chí Phó Giám đốc Sở GDĐT ghi nhận sự tích cực, nỗ lực của Phòng GDĐT Kiến An trong chỉ đạo chuyên môn, tổ chức thực hiện các chuyên đề chuyên môn. Qua các hoạt động chuyên môn thiết thực bổ ích, giáo dục và đào tạo Kiến An đã có những bước bứt phá, đạt nhiều thành tựu, triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Trong báo cáo đề dẫn Hội thảo chuyên đề, nhà giáo Trần Thị Tuyết - Trưởng phòng GDĐT Kiến An nêu lên quyết tâm của ngành giáo dục quận Kiến An trong việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá để thực hiện mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất học sinh của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Phòng GDĐT Kiến An đã thực hiện nhiều chuyên đề chuyên môn cấp quận và cấp thành phố, tạo điều kiện cho các giáo viên sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học. Chuyên đề chuyên môn Ngữ văn được xây dựng với 1 tiết học có sử dụng các phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá hiện đại, ứng dụng thành tựu công nghệ số: phần mềm trắc nghiệm Plicker, sân khấu hóa, trò chơi, dạy học dự án.
Cô và trò trường THCS Đồng Hòa thực hiện tiết học Thực hành Tiếng Việt
Tại Hội thảo chuyên đề, cô giáo Lưu Thùy Vân cùng các em học sinh lớp 7A1 trường THCS Đồng Hòa thực hiện tiết học Thực hành Tiếng Việt: Từ ngữ địa phương trong Bài 5: Màu sắc trăm miền, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống. Tiết dạy đã giúp học sinh nhận biết được từ ngữ địa phương của từng vùng miền và hiểu được tác dụng của việc sử dụng từ ngữ địa phương. Để đạt mục tiêu bài học, cô giáo đã tổ chức các hoạt động dạy học lấy học sinh làm trung tâm, phát huy sự chủ động sáng tạo của các em. Bên cạnh đó, tiết học đã chú trọng kết nối tri thức bài học với cuộc sống thông qua hoạt động tìm hiểu từ ngữ địa phương ở ba miền đất nước. Dưới sự tổ chức dẫn dắt của cô giáo, các em học sinh như được tham gia vào một chuyến du lịch từ Bắc vào Nam và sau đó dừng chân ở quê hương Hải Phòng – một địa phương có nhiều từ ngữ địa phương đặc sắc. Các ý kiến phát biểu thảo luận sau tiết dạy đều khẳng định tiết dạy thể nghiệm đã thể hiện rõ nét sự đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn, đồng thời để lại ấn tượng và cảm xúc sâu sắc với người dự giờ. Các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học được thực hiện trong tiết dạy có thể được nhân rộng ở nhiều trường học để góp phần nâng cao chất lượng dạy học môn Ngữ văn, khơi gợi niềm say mê, yêu thích môn học ở các em học sinh.