Căn cứ nhiệm vụ năm học 2023-2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo, ngày 18/8/2023 Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành Kế hoạch số 97/KH-SGDĐT về việc tổ chức Chuyên đề chuyên môn cấp thành phố đối với Giáo dục tiểu học, với mục đích nhằm tiếp tục thực hiện tốt Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cũng như thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số ngành Giáo dục và Đào tạo. Chuyên đề chuyên môn dạy học môn tiếng Việt lớp 4 đối với giáo dục tiểu học Hải Phòng là một đợt sinh hoạt chuyên môn lớn theo kế hoạch chuyên môn thường niên hàng năm của Sở Giáo dục và Đào tạo, những chuyên đề này giúp thầy cô có cơ hội được học tập, chia sẻ, trao đổi kiến thức về chuyên môn, những phương pháp dạy học mới, cách thức tiếp cận tích hợp liên môn trong bài học môn học cụ thể. Điều này giúp giáo viên các trường tiểu học trên toàn thành phố có thêm những kinh nghiệm quý để thực hiện thành công chương trình GDPT mới.
Đại biểu tham dự chuyên đề chuyên môn
Tham dự và chỉ đạo chuyên đề có Tiến sĩ Xuân Thị Nguyệt Hà – Chuyên viên chính Vụ GD Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Ông Bùi Văn Kiệm – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Lãnh đạo chuyên viên Phòng GD Tiểu học; Ông Uông Minh Long - Phó chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên; Lãnh đạo, chuyên viên phụ trách tiểu học của 14 Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận huyện; các đại biểu là đại diện cán bộ quản lý, giáo viên các trường tiểu học tham dự trực tiếp tại điểm cầu trường Tiểu học Núi Đèo, huyện thủy Nguyên. Toàn bộ nội dung của chuyên đề được đưa lên mạng trực tuyến để các thầy cô giáo viên trên toàn thành phố có thể theo dõi trực tiếp và trao đổi nội dung, phương pháp đối với việc dạy học môn Tiếng Việt trong chương trình.
Lãnh đạo tặng hoa cô giáo lên lớp minh họa tiết dạy trong chuyên đề
Trong tiến trình của chuyên đề chuyên môn, đại biểu và các thầy cô giáo được dự 02 tiết Tiếng Việt lớp 4 qua bài đọc Trước ngày xa quê (thuộc bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống) do cô giáo Nguyễn Thị Khánh Linh lớp 4A5, trường Tiểu học Núi Đèo thực hiện. Thông qua bài học, giáo viên đã chú trọng hướng rèn tốt các kỹ năng đọc, kết hợp với đọc diễn cảm, phù hợp với cảm xúc tâm trạng của nhân vật trong câu chuyện. Việc tìm hiểu nội dung của bài tập đọc cũng được giáo viên linh hoạt khai thác một cách nhẹ nhàng và làm nổi bật được nội dung chính của bài học. Từ nội dung bài học giáo viên đã thể hiện được rõ vai trò của ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học thông qua các thiết bị: tivi trình chiếu cảm ứng, ipad của học sinh để tra từ điển, nộp và trao đổi kết quả học tập nhóm,…. tại phòng học thông minh của nhà trường.
Đ/c Trần Thị Mai Phương - Phó Trưởng phòng GDĐT huyện Thủy Nguyên báo cáo đề dẫn chuyên đề
Qua báo cáo đề dẫn chuyên đề của đồng chí Trần Thị Mai Phương – Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thủy Nguyên trước hội thảo chuyên đề, ngay khi thực hiện chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1 từ năm học 2020-2021, việc đầu tiên mà giáo dục đào tạo huyện Thủy Nguyên xác định là tuyên truyền để toàn bộ cán bộ giáo viên các nhà trường hiểu rõ vì sao phải đổi mới công tác giáo dục, để thực hiện việc đổi mới này thì nhà quản lý phải làm gì ? giáo viên phải làm gì ? Phòng Giáo dục đã bắt đầu từ việc tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ giáo viên hiểu được sự đổi mới của xã hội và những yêu cầu cần thiết đối với giáo dục sau đó mới tiếp tục cung cấp những nội dung cần phải đổi mới, ngoài ra các chuyên đề chuyên môn cấp huyện, cụm, trường được thực hiện khá kịp thời, có sự định hướng cụ thể đối với từng khối lớp với tất cả các môn học, riêng môn Tiếng Việt đã thực hiện được những chuyên đề rất trọng tâm, như: Rèn kỹ năng phát triển vốn từ, phát huy tính sáng tạo khi sử dụng vốn từ trong môn Tiếng Việt; Sử dụng hiệu quả các trò chơi học tập, trò chơi dân gian tạo hứng thú cho học sinh khi tham gia học tập môn Tiếng Việt; Tổ chức hoạt động dạy học để phát triển năng lực nói nghe cho học sinh; Nâng cao năng lực viết văn cho học sinh theo định hướng phát triển năng lực; ….. Thông qua các buổi tập huấn, các chuyên đề phần nào đã tạo được cho giáo viên một tâm thế sẵn sàng cho việc tiếp cận và thực hiện có hiệu quả các yêu cầu đổi mới của giáo dục. Với đội ngũ giáo viên trẻ ngoài việc linh động, đa dạng, đổi mới trong các hoạt động dạy, ứng dụng công nghệ thông tin triệt để hiệu quả trong mỗi giờ học đã tạo cho học sinh một không khí học tập vui vẻ và thông qua đó phát triển được rất nhiều các kỹ năng. Học sinh mạnh dạn giao tiếp trước đông người, biết bày tỏ suy nghĩ của cá nhân, chủ động giải quyết mọi vấn đề, khả năng tương tác để giải quyết các vấn đề phát triển mạnh, biết sử dụng các câu văn có hình ảnh trong giao tiếp cũng như hoàn thiện các bài văn.
Từ những chỉ đạo triển khai cụ thể các văn bản chỉ đạo về thực hiện chương trinhg, kết thúc năm học 2022-2023 Phòng giáo dục và Đào tạo Thuỷ Nguyên thực hiện Khảo sát năng lực viết văn với tất cả các khối lớp trên toàn huyện, kết quả cho thấy không còn hiện tượng cả lớp có chung 1 mạch văn, xuất hiện nhiều bài văn, câu văn có hình ảnh, đã phản ánh được năng lực của từng học sinh theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018 và sự cố gắng không mệt mỏi của đội ngũ thầy cô trong các nhà trường. Bên cạnh đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo tích cực trong việc tham mưu với UBND trong việc bố trí nhân lực đội ngũ giáo viên còn thiếu, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các trường tiểu học để thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018.
Tiến sĩ Xuân Thị Nguyệt Hà - Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GDĐT trao đổi với các thầy cô giáo
Trong phần Hội thảo của chuyên đề, Tiến sĩ Xuân Thị Nguyệt Hà – Chuyên viên chính Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trao đổi trực tiếp với các thầy cô một số nội dung quan trọng trong việc sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, việc xây dựng kế hoạch dạy học môn Tiếng Việt, kiểm tra đánh giá năng lực phẩm chất của học sinh thông qua môn Tiếng Việt ở Tiểu học; ... Đồng thời, Tiến sĩ Xuân Thị Nguyệt Hà cũng kịp thời giải đáp, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của các thầy cô, nhà trường khi thực hiện chương trình mới.
Một số hình ảnh trong chuyên đề