Tham gia đoàn làm việc có ông Phạm Quốc Hiệu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cùng đại diện các phòng Kế hoạch tài chính, Tổ chức cán bộ và phòng Giáo dục tiểu học. Đoàn làm việc đã lắng nghe báo cáo của nhà trường về công tác chuẩn bị cho năm học mới, công tác phân công đội ngũ giáo viên, nhân viên; công tác rà soát chuẩn bị cơ sở vật chất cũng như các thiết bị dạy học; công tác tuyển sinh; xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường; việc thực hiện các chế độ chính sách theo quy định,....
Đoàn công tác lắng nghe ý kiến báo cáo từ phía nhà trường
Qua báo cáo của nhà trường, Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng thành lập từ năm 1991, tiền thân là trường Nuôi dạy thanh thiếu niên mù. Đến năm 1998, nhà trường được đổi tên thành trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng. Trường có nhiệm vụ chủ yếu là: khảo sát, điều tra nắm bắt nhu cầu học tập của thanh thiếu niên khiếm thị trong thành phố; tổ chức nuôi học sinh theo thể thức trường bán trú; dạy văn hóa bằng chữ nổi theo chương trình tiểu học, dạy học sinh phục hồi chức năng định hướng đi lại và lao động tự phục vụ sinh hoạt của bản thân; từng bước tổ chức dạy nghề, tạo cho học sinh có một nghề để lao động và sinh sống;... Năm học 2023-2024, nhà trường có tổng số 160 học sinh được biên chế thành 13 lớp, tăng 30 học sinh (tăng 02 lớp so với năm học trước). Tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên của nhà trường là 34 người (trong đó, BGH: 02 người, GV: 20 người, NV: 12 người. Về cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động nhà trường, nhà trường có 15 phòng học, 10 phòng chức năng, 07 phòng nội trú và 06 phòng bán trú, khu vực bếp ăn, nhà ăn, quy trình chăm nuôi, phục vụ học sinh đều đảm bảo theo quy định an toàn thực phẩm,...
Đ/c Phạm Văn Hưng - Hiệu trưởng trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng báo cáo tình hình nhà trường
Trường Khiếm thính Hải Phòng được thành lập từ năm 1976 và tiền thân là trường dạy trẻ điếc, câm nội thành. Sau 2 lần đổi tên thành trường Khiếm thính Hải Phòng hiện nay. Nhà trường có chức năng nhiệm vụ cơ bản là: phục hồi chức năng nghe, nói, tổ chức dạy văn hóa theo chương trình phổ thông cơ sở và tổ chức dạy nghề cho trẻ điếc, câm của thành phố, bảo đảm cho họ trở thành người có ích cho xã hội; giáo dục can thiệp sớm, hỗ trợ giáo dục hòa nhập cộng đồng và giáo dục trẻ đa tật. Tổng số học sinh của nhà trường trong năm học này là 248 học sinh, tham gia học tập tại 18 lớp học (trong đó có 16 lớp học văn hóa theo chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học và 02 lớp học hướng nghiệp nghề). Tổng số cán bộ, giáo viên và nhân viên nhà trường có 40 người (trong đó, BGH: 03 người, GV: 26 người, NV: 11 người). Để chuẩn bị cho năm học mới nhà trường đã tổ chức rà soát, kiểm tra toàn bộ cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cũng như thực hiện sắp xếp đội ngũ nhân sự, thực hiện tu sửa, thay thế và bổ sung để đảm bảo tốt điều kiện để bước vào năm học mới.
Đ/c Hoàng Thị Lương - Hiệu trưởng trường Khiếm thính Hải Phòng báo cáo tình hình nhà trường
Nhìn chung, trong những năm gần đây, hai trường chuyên biệt của thành phố Hải Phòng luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao từ các cấp lãnh đạo Sở ban ngành của thành phố, các tổ chức xã hội cũng như các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố. Để đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của xã hội, hai nhà trường luôn chú trọng trong công tác bồi dưỡng đội ngũ, nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, nhân viên cũng như chất lượng đào tạo, giáo dục trẻ khuyết tật trên địa bàn thành phố. Các nhà trường thực hiện tốt việc hướng nghiệp và liên hệ các công ty, xí nghiệp để phối hợp đào tạo nghề cho học sinh nhà trường giúp cho các em có thể vững tin tiếp cận hòa nhập xã hội. Đối với một số trẻ sau một thời gian học tập tại nhà trường, khi đảm bảo các điều kiện có thể hòa nhập học tập ở trường tiểu học, nhà trường thực hiện tư vấn giúp học sinh có điều kiện để tham gia học tập hòa nhập trong một môi trường phù hợp với học sinh.
Tại buổi làm việc trao đổi, các đồng chí là đại diện các phòng ban cũng đã tư vấn, hướng dẫn các nhà trường chuyên biệt giải đáp, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc đang gặp phải trong công tác quản lý giáo dục, công tác tuyển sinh cũng như việc triển khai thực hiện các văn bản về chế độ chính sách đãi ngộ đối với cán bộ giáo viên, nhân viên của nhà trường. Đồng thời, Phó Giám đốc Sở Phạm Quốc Hiệu cũng đề nghị các phòng chuyên môn nghiệp vụ Sở tiếp tục quan tâm, sát sao chỉ đạo và có những tham mưu tích cực trong công tác chỉ đạo nhà trường thực hiện tốt nhiệm vụ chức năng chức năng của nhà trường; Tập thể cán bộ lãnh đạo, giáo viên nhân viên bằng tình yêu thương và nhiệt huyết với nghề tiếp tục ra sức thi đua dạy tốt, học tốt; trên quan điểm “dám nghĩ, biết làm và có trách nhiệm” để giúp các em có điều kiện tốt nhất trong học tập, rèn luyện, phát triển và tự tin hòa nhập với xã hội.