Cán bộ bộ phận "một cửa" Sở GD-ĐT tích cực tư vấn, hướng dẫn công dân.
Sáng 21-2, bộ phận “một cửa” Sở Giáo dục và Đào tạo tấp nập công dân đến làm việc, chủ yếu tìm hiểu các quy định liên quan đến Thông tư 29, các thủ tục, điều kiện để đăng ký hoạt động trong lĩnh vực GD-ĐT. Anh Khổng Đình Giáp, Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng kiến thức Dương Kinh (quận Dương Kinh) cho biết: Trung tâm của anh được Sở GD-ĐT cấp giấy phép hoạt động từ năm 2023 với các môn dạy: Tiếng Việt, Toán học, Tiếng Anh theo chương trình đã được thẩm định. Diện đào tạo, bồi dưỡng là học sinh trung học, các đối tượng khác có nhu cầu. Anh Giáp cho biết: Để bảo đảm hoạt động bền vững, từ trước đến nay, trung tâm luôn coi việc tuân thủ quy định pháp luật là nhiệm vụ hàng đầu bởi không chỉ liên quan đến giấy phép hoạt động của đơn vị mà còn liên quan đến đội ngũ giáo viên, giáo viên thỉnh giảng. Thông tư 29 với nhiều điểm mới nên tôi đến Sở GD-ĐT để được tư vấn có cần điều chỉnh nội dung hoạt động của trung tâm hay không. Điều đáng ghi nhận chúng tôi được các cán bộ, chuyên viên của Sở hướng dẫn rất nhiệt tình, cụ thể giúp chúng tôi yên tâm hơn trong việc triển khai hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, tránh những phiền phức cho hoạt động của trung tâm và đội ngũ giáo viên sau này.
Cũng có mặt tại bộ phận “một cửa” (Sở GD-ĐT) từ sớm, chị Hoàng Phương Thảo (huyện Kiến Thụy) cho biết: "Tôi muốn tìm hiểu các thủ tục thành lập và triển khai hoạt động trung tâm Ngoại ngữ. Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm ra đời với nhiều thay đổi so với trước. Do vậy, tôi đến Sở GD-ĐT để được giải đáp cụ thể về các mã ngành nghề cần đăng ký, thủ tục hồ sơ cần hoàn thiện xin phép thành lập trung tâm ngoại ngữ. Từ đó có hướng đi phù hợp nhằm bảo đảm các hoạt động của trung tâm sau này đúng quy định pháp luật."..
Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ 14-2-2025 tác động mạnh đến hoạt động dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường. Đặc biệt quy định: Không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống; Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường... đã khiến hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường của nhiều giáo viên các trường công lập phải tạm dừng. Thực tế, nhu cầu của giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường khá lớn, vì vậy thời gian qua, rất nhiều giáo viên, người thân, đơn vị có nhu cầu tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường đến các cơ quan quản lý xin cấp đăng ký kinh doanh lĩnh vực giáo dục.

Các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp đến bộ phận "một cửa" Sở GD-ĐT tìm hiểu về các quy định thành lập trung tâm dạy thêm, học thêm.
Anh Trần Ngọc Thủy, cán bộ Phòng Tổ chức cán bộ (Sở GD-ĐT) thông tin: Từ khi Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực ngày 14-2-2025, thời gian qua, đơn vị tiếp lượng công dân tương đối lớn. Mỗi ngày, khoảng 20-30 người dân, giáo viên, doanh nghiệp quan tâm đến lĩnh vực giáo dục hỏi về các thủ tục cho phép thành lập cơ sở dạy thêm ngoài nhà trường và các loại hình trung tâm thuộc hệ thống các cơ sở giáo dục thường xuyên trong hệ thống giáo dục quốc dân. Trong đó, các giáo viên hỏi nhiều nhất về nhu cầu muốn mở cơ sở dạy thêm. Với nhiệm vụ được phân công tại bộ phận “một cửa” của đơn vị, chúng tôi tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến việc thành lập các cơ sở giáo dục tư thục (cơ sở giáo dục thường xuyên; các trung tâm: ngoại ngữ, kỹ năng sống, bồi dưỡng kiến thức...); hỗ trợ hướng dẫn quy trình thủ tục và tiếp nhận các thủ tục hành chính qua Cổng dịch vụ công thành phố... Các hình thức tiếp nhận gồm công dân trực tiếp đến bộ phận “một cửa” làm việc; liên hệ qua số điện thoại của cán bộ bộ phận “một cửa” và sau khi nắm được thủ tục, người dân gửi thủ tục hành chính qua Dịch vụ công đối với loại hình thành lập các trung tâm. Với cơ sở dạy thêm, sau khi được tư vấn, công dân, giáo viên, nhà đầu tư liên hệ với cơ quan chức năng quận, huyện đối với hộ kinh doanh cá thể. Còn với các doanh nghiệp sẽ đăng ký ngành nghề kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư...
Theo Phó chánh văn phòng Sở GD-ĐT Phạm Huy Bình: Để hỗ trợ tốt nhất cho các cá nhân, đơn vị có nhu cầu về các thủ tục liên quan đến cơ sở dạy thêm và thành lập các trung tâm tăng cao thời gian qua, chúng tôi tăng cường bố trí cán bộ chuyên môn trực liên tục tại bộ phận “một cửa” để có thể tiếp nhận, hướng dẫn, giải đáp ý kiến của cá nhân, tổ chức. Qua đó góp phần đáp ứng kịp thời nhu cầu của cá nhân, giáo viên, doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực giáo dục thời gian này./.